Không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm. Ảnh: Minh Thu

Cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng

Tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được tổ chức vừa qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Đồng thời, tại Hội thảo, Bộ Công Thương cũng giữ đề xuất, ĐMTMN loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng do lo ngại, mua, bán ĐMTMN sẽ gây ra việc trục lợi chính sách.

Trước nhận định của đại diện Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, Nguyễn Anh Tuấn, cho biết, khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản tự tiêu bán điện vào lưới, ập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng tình với Bộ Công Thương về quy định ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng.

Về giá 0 đồng là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này, nên chăng chỉ ở giai đoạn ba năm từ 2024-2027, còn sau năm 2027 cần có cơ chế giá khác trong bối cảnh đang rất cần bổ sung thêm nguồn điện.

Đối với Dự thảo Nghị định, Phó Hiệu trưởng trường cơ khí Đại học Bách Khoa, Phó giáo sư Nguyễn Việt Dũng cũng nhất trí với chủ trương ủng hộ phát triển ĐMTMN để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế. Về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Việt Dũng hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.

Còn theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, cần tăng cơ chế thị trường, giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng đồng thuận xã hội trong chính sách này, bao gồm không cho phép bán điện thừa cho người khác vì nằm trong cơ chế mua bán điện trực tiếp, được quy hoạch Điện VIII bảo hộ trong pháp lý.

Ngăn trục lợi chính sách

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu để tự tiêu dùng, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện. Phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… Nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước. Chính sách giá 0 đồng chỉ áp dụng với sản lượng ĐMTMN tự sản, tự tiêu dư thừa phát lên lưới điện quốc gia.

Nếu không đưa ra mức giá 0 đồng, ông Diên cho rằng sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt dẫn tới mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện. Bởi điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết, khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện.

"Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Do vậy, những nhà đầu tư điện chạy nền (điện than, điện khí, thủy điện...) có chịu hi sinh lợi ích mà họ đang có không?" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, sự cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển ĐMTMN theo hình thức tự sản, tự tiêu bởi các lý do như: để khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên. Thông qua việc phát triển điện mặt trời áp mái chúng ta có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.

Bên cạnh đó, là giảm áp lực đầu tư từ Nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện. Thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn ĐMTMN sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Nguyễn Đăng