Kiếp nạn khó ngờ khi ôm laptop đi cà phê tránh nóng ở TP.HCM

Những ngày qua, .HCM và khu vực Nam Bộ liên tục nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất lên đến 38-39 độ C vào giữa trưa. Thực tế, nhiệt độ người dân cảm nhận được có khi lên đến 43-44 độ C do phản xạ từ mặt đường, nhà cửa, bê tông…

Tìm cách tránh cái nóng oi ả ở TP.HCM, chiều cuối tuần qua, Huyền Đoàn (26 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM) cùng nhóm bạn thân ra cà phê ngồi tâm sự. Dù vậy, khi ra đến quán, cả nhóm tranh thủ uống hết cốc nước rồi đi nơi khác. Bởi lẽ, quán quá đông, máy lạnh hoạt động không đủ công suất, quán cà phê còn nóng hơn ở nhà.

Nhiều bạn trẻ ở TP.HCM tìm cách để đối phó với cái nóng. Tuy nhiên, không phải chiến lược nào cũng thành công.

Chạy trời không khỏi “nóng”

Thiên Kim (20 tuổi, sinh viên đại học ở TP.HCM) đang sống ở ký túc xá với một vài người bạn. Trời nóng 37-38 độ C, Thiên Kim bị cảm, sốt 4-5 ngày vì sốc nhiệt. Đôi khi, cô còn bị nổi mẩn đỏ vì dị ứng thời tiết.

“Những ngày này mình thường ít ở trong phòng ký túc xá. Trời nóng mà phòng thì không có máy lạnh nên mình thường phải ra cà phê hoặc thư viện cho mát”, Thiên Kim kể lại.

Thiên Kim thường lên thư viện học bài để tránh nóng mà vẫn tiết kiệm. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Thiên Kim cho biết cô thường chọn thư viện làm nơi nghỉ ngơi, học tập sau mỗi buổi học để tránh nóng mà vẫn tiết kiệm. “Vì là thư viện nên mọi người cũng giữ gìn vệ sinh và có ý thức giữ trật tự nữa. Mình học bài khá hiệu quả ở đó”, cô nói.

Dù vậy, vào khung giờ cao điểm 10-13h hàng ngày, khi sinh viên tan học và xuống thư viện đông đúc, cũng có khi Thiên Kim không tìm được chỗ ngồi và phải chấp nhận trải qua cái nắng giữa trưa ở trường.

Những ngày cuối tuần, thư viện đóng cửa, quán cà phê lại là “điểm tránh nóng” tiếp theo của Thiên Kim. Tuy nhiên, không phải quán cà phê lúc nào cũng có chỗ. Bởi lẽ, những quán có nước vừa miệng, giá cả phải chăng thì luôn đông khách.

15h chiều thứ 7, Thiên Kim chạy xe đến một quán cà phê mà cô hay uống. Tuy nhiên, vừa đến nơi thì bảo vệ báo “quán đã hết bàn”. Cô đành tìm một quán khác. Đến quán thứ hai, bảo vệ vẫn báo “không còn chỗ ngồi”... Hành trình rong ruổi tìm chỗ tránh nóng của Thiên Kim chỉ dừng lại ở quán cà phê thứ tư.

“Dù tìm được quán cà phê nhưng lúc đó quán cũng khá đông, máy lạnh của quán không quá mạnh nên cũng không mát hơn được bao nhiêu so với ở trong phòng”, Thiên Kim nhận xét.

Nhiều quán cà phê không còn chỗ ngồi vì bạn trẻ đến "tránh nóng" quá đông. Ảnh minh họa: Huệ Lâm.

Trong khi đó, Huyền Đoàn và nhóm bạn của cô lại có phần may mắn hơn khi có chỗ ngồi trong quán cà phê quen thuộc. “Nhóm chúng mình thường hay đi cà phê ở quán này vì không gian rộng rãi, mát mẻ mà nước cũng vừa miệng. Nhưng lần đi cà phê cuối tuần rồi lại không được như vậy. Lúc đó quán chật kín người, máy lạnh chỉ vừa vừa, mình cảm thấy còn nóng hơn ở nhà”, Huyền kể.

Sau trải nghiệm này, Huyền Đoàn kết luận rằng giải pháp tránh nóng hiệu quả nhất là “ở nhà bật máy lạnh”.

Nhiệt độ cao gây cháy… túi

Minh Thư (23 tuổi, TP.HCM) cũng đồng ý với giải pháp này. Trong những tháng hè ở TP.HCM, nhà của cô sẽ bật máy lạnh cả ngày lẫn đêm để tránh nóng. Kết quả, hóa đơn tiền điện tháng 3 vừa rồi làm cô lâm vào cảnh “cháy túi nhẹ”.

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân TP.HCM. Ảnh minh họa: Hạnh Lê.

“Lúc nhận tiền điện mình cũng hơi bất ngờ vì lên đến 800.000 trong tháng 3. Đáng nói là tháng 2 thì tiền điện nhà mình chỉ rơi vào khoảng 400.000 thôi, tức là tháng này tăng gấp đôi”, Minh Thư nói thêm đây là khoản phí không thể cắt giảm. Bởi lẽ, nếu không bật máy lạnh, nhà cô sẽ nóng hầm hập và “không thể chịu đựng được”.

Nhiệt độ cao không chỉ làm tăng tiền điện mà còn làm tăng số lượng hóa đơn mua sắm ở trung tâm thương mại của chị Thư Anh (31 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM).

“Bình thường, mình sẽ đi trung tâm thương mại vào sau giờ hành chính hoặc đầu giờ chiều những ngày cuối tuần. Mình sẽ đi trung tâm vì hai mục đích. Một là mua sắm những gì cần thiết. Hai là tránh nóng. Ngoài ra mình cũng thích đi dạo trung tâm thương mại, vừa vui vừa mát”, chị Thư Anh chia sẻ.

Mỗi tuần, chị Thư Anh và gia đình sẽ đi trung tâm thương mại khoảng 3 lần. Mỗi lần đi, chị sẽ chi khoảng 500.000- 1,5 triệu đồng để mua sắm. “Có những lần mình chỉ vào trung tâm để dạo chơi, tránh nóng thôi nhưng đi một hồi thì nhu cầu tự phát sinh, thế là phải tốn tiền”, chị kể.

Trung bình, mỗi lần đi trung tâm thương mại của chị Thư Anh sẽ tốn khoảng 500.000-1.500.000 đồng. Ảnh: NVCC.

Nhìn chung, các nhân vật chia sẻ với Tri thức - Znews đều đồng ý rằng những khoản chi phí phát sinh trong mùa ắng nóng ở TP.HCM là không thể tránh khỏi. Họ chấp nhận chi tiêu để “tạm lánh” với cái nóng 38-39 độ C và phòng tránh những vấn đề về sức khỏe như sốc nhiệt, cảm, sốt, dị ứng thời tiết có thể phát sinh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 3, Đông Nam bộ liên tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.

Tháng 4, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo thời tiết ở TP.HCM vẫn giữ mức cao, có lúc trên 38 độ C trong 20 ngày đầu tiên và sẽ có mưa rào và dông vài nơi trong 10 ngày cuối do tác động của đối lưu nhiệt địa phương.

Các chuyên gia nhận định tình hình thời tiết năm 2024 sẽ "rất dị thường và khó đoán" do hiện tượng El Nino vẫn chi phối thời tiết trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, hiện tượng La Nina với xu hướng làm dịu nhiệt độ toàn cầu có thể xuất hiện với xác suất 55-65% vào nửa cuối năm.

Đông Tùng