Kinh doanh để làm giàu hay phụng sự xã hội?

Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy Phát triển và Hội nhập”.

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm

Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, khuyến khích và góp phần nâng cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh của thế giới VUCA (cụm từ viết tắt gồm: Volatility: Biến động; Uncertainty: Bất định; Complexity: Phức tạp; Ambiguity: Mơ hồ) và cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số.

Đồng thời, góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ về xây dựng văn hóa, định hình bản sắc con người Việt Nam; tạo động lực, thúc đẩy việc xây dựng và gìn giữ văn hóa trong kinh doanh, định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trong phát biểu của các lãnh đạo tại diễn đàn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhìn nhận những giá trị “được và mất” trong văn hóa giao thương Việt Nam qua các thời kỳ phát triển lịch sử, đồng thời ghi nhận các doanh nghiệp và doanh nhân đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong việc xây dựng và phát huy văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Điểm nhấn của Diễn đàn là phiên tọa đàm và tranh luận với chủ đề “Kinh doanh để làm giàu hay phụng sự xã hội?”. Đây là một chủ đề tranh luận gây sự chú ý và thúc đẩy không khí chia sẻ và bảo vệ sôi nổi giữa các đại biểu; diễn ra với sự tham gia nhiệt tình và đầy đam mê, mang lại những quan điểm đa dạng và phong phú về bản sắc kinh doanh của doanh nhân Việt Nam.

Trong phiên tranh luận, hai nhóm đại diện cho hai tố chất của doanh nghiệp: “làm giàu” và “phụng sự xã hội” đã có những quan điểm và lập luận đối lập nhau, tạo ra một cuộc đấu trí hấp dẫn và căng thẳng.

Nhóm “làm giàu” đã khẳng định rằng kiếm tiền là một mục đích rất chính đáng và đáng được trân trọng, và là bước đệm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tạo tiềm lực và thúc đẩy tăng trưởng hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Nhóm này cũng đã đưa ra những ví dụ về các doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đổi mới công nghệ, hài lòng cổ đông và thực hiện trách nhiệm xã hội nhờ có lợi nhuận cao.

Nhóm “phụng sự xã hội” đã phản bác rằng kinh doanh mục đích lớn và cao cả nhất là trực tiếp góp phần phát triển xã hội, và làm giàu không phải là mục tiêu cuối cùng. Nhóm này cũng đã chỉ ra những giá trị và lợi ích của việc kinh doanh và phụng sự xã hội, và những doanh nghiệp đã đại diện cho bản sắc của giới doanh thương Việt yêu đất nước.

Sau một cuộc tranh luận sâu sắc, hai nhóm đã đến được một điểm chung, đó là bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam là tổng hòa của làm giàu và phụng sự xã hội. Hai tố chất này không phải là đối lập mà là bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần phải cân bằng được hai mục tiêu này, và không nên hy sinh một cái vì cái kia. Bằng cách đó, họ sẽ có thể tạo ra những giá trị bền vững cho chính mình, cho đất nước và cho thế giới.

Vinh dự nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - là 1 trong 3 tập thể có thành tích hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch và Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam cho biết, đây là một cơ hội đáng quý để các bên liên quan học tập, hoàn thiện và chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa kinh doanh trong thời đại mới.

Là người trực tiếp tham gia vào Ban xây dựng nội dung cho Diễn đàn, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Thường vụ Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, bà Linh đã có những chia sẻ về Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam và những hoạt động của Dale Carnegie Việt Nam trong việc “phụng sự” cho văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, bà khẳng định rằng, tất cả doanh nghiệp cần đặt sứ mệnh kinh doanh là phụng sự xã hội để đóng góp, phát triển cộng đồng. Khi đó chúng ta sẽ có một môi trường kinh doanh tạo điều kiện để phát triển bền vững.

Hải Linh