Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu có dấu hiệu phục hồi

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả cuộc khảo sát công bố ngày 5/2 cho thấy nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã có những dấu hiệu phục hồi vào đầu năm nay.

Theo kết quả khảo sát, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) của Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB), do S&P Global thu thập và được coi là thước đo về “sức khỏe” tổng thể của nền kinh tế, đã tăng lên 47,9 trong tháng Một vừa qua từ mức 47,6 của tháng 12/2023 theo như ước tính sơ bộ trước đó.

Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2023 nhưng vẫn dưới 50 - ngưỡng để phân biệt giữa tăng trưởng và giảm sút. Tuy nhiên, cả chi phí đầu vào và đầu ra trong tháng trước cũng tăng nhanh hơn. Chỉ số giá đầu ra cũng tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng qua, lên 54,2.

Nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia tại HCOB cho rằng: “Sự do dự của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc cắt giảm lãi suất trở nên rõ ràng hơn khi xem xét sự gia tăng của các chỉ số giá PMI.”

Theo chuyên gia này, với việc cả giá đầu vào và đầu ra trong lĩnh vực dịch vụ đều tăng, ECB sẽ chưa sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chỉ số PMI cho lĩnh vực dịch vụ của Eurozone trong tháng Một vừa qua đã giảm xuống 48,4 từ mức 48,8 trong tháng 12/2023 theo như ước tính sơ bộ.

Cuối tháng trước, ECB đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% và tái khẳng định cam kết chống lạm phát. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, ECB giữ nguyên lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất nhằm kiềm chế mức tăng của giá cả.

Một cuộc khảo sát tương tự công bố hồi tuần trước cũng cho thấy hoạt động sản xuất tại Eurozone trong tháng Một vừa qua cũng cải thiện hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)