Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 phục hồi khả quan

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy. Ảnh: Nhật Bắc

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình thế giới tháng 9 và 9 tháng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế chậm, tăng trưởng thấp… Trong đó có các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; nhiều quốc gia vẫn duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ; giá dầu tăng cao cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu...

Những vấn đề này đã và đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức, rủi ro cho các quốc gia đang phát triển, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao: CPI trong tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước (chủ yếu là do giá xăng dầu, lương thực tăng theo giá thế giới); bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%); qua đó tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng.

Tăng trưởng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước: GDP quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,43%; khu vực dịch vụ tăng 6,32; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%. Nhiều địa phương phục hồi, tăng trưởng khá cao. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định.

Đặc biệt, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế; lúa gạo được mùa được giá, tăng cả sản lượng, năng suất và giá bán; đàn lợn tăng 4,2%; sản lượng gỗ tăng 3,3%; sản lượng thủy sản tăng 2,1% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng khá cao: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 8,9 triệu người, gấp 4,6 lần cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2023.

Đáng chú ý, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, quý III tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký 09 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn...Vì vậy, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0%. Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

"Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phúc Nguyễn