Kỳ 1: Vươn lên từ gian khó

Du khách đến Côn Đảo bằng máy bay.

Những viên gạch đầu tiên

Bà Nguyễn Thị Ni là một trong 157 cựu tù Côn Đảo xung phong ở lại bảo vệ và xây dựng đảo ngay sau ngày giải phóng. Trong ký ức của bà, sau giải phóng, Côn Đảo chỉ có mấy chục gia đình, chủ yếu là con em bộ đội.

Ngày đó, Côn Đảo vẫn còn hoang sơ, không có một sơ sở kinh tế. Toàn đảo chỉ có những nhà cấp bốn, vài chiếc xe máy cũ kỹ. Trường học thì sơ sài, học sinh đến trường rất ít. Lúc đó, cựu tù chính trị Huỳnh Thiện Hòa (người dân trên đảo thường gọi là ông Hai Hòa-PV) nguyên Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo đã đích thân đi từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp.

Sau ngày Côn Đảo giải phóng, bà Nguyễn Thị Bích Phượng (SN 1968) đã theo cha mẹ từ Trà Vinh ra đảo sinh sống tại tổ 4, khu dân cư số 5. Bà Bích Phượng kể: “Tôi nhớ không nhầm, cả đảo chỉ chưa đầy 1.000 dân. Người ta nói “ra đảo” cảm giác nó xa xôi, heo hút lắm! Lúc đó, mọi sinh hoạt trên đảo khó khăn lắm. Tàu chở hàng hóa, thực phẩm từ đất liền ra đảo không thường như bây giờ, mùa biển động có khi 2-3 tháng mới có tàu ra một lần. Cuộc di cư của gia đình tôi lúc bấy giờ là theo lời kêu gọi của chính quyền ra đảo lập nghiệp. Cha mẹ tôi nghĩ chắc chỉ sống ở đảo ít năm, rồi vào lại đất liền nhưng Côn Đảo đã níu chân chúng tôi gắn bó đến tận bây giờ”.

Từ năm 2000, các thế hệ lãnh đạo và người dân Côn Đảo đã tiếp tục hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống trường học, y tế, khu vui chơi, giải trí trên huyện đảo. Đến nay, Côn Đảo có khoảng 10.000 nhân khẩu, cuộc sống trên đảo ngày càng phát triển ổn định. Hệ thống điện, đường, trường, trạm… ngày càng được đầu tư bài bản và nhờ giao thông thuận lợi đã kéo đảo gần lại với đất liền.

Côn Đảo vẫn giữ được vẻ đẹp bình yên. Trong ảnh: Khu nhà cổ trên phố Lê Duẩn.

Diện mạo mới

Ngày 12/8/1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập và Côn Đảo trở thành huyện thuộc tỉnh. Đại hội Đảng bộ huyện Côn Đảo lần thứ IV (tháng 4/1992) đề ra Nghị quyết với mục tiêu tổng quát của huyện đến năm 1995 là: “Vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo các chức năng và phương hướng phát triển đã được xác định, tiếp tục tạo những nền móng ban đầu để chuẩn bị cho phát triển với tốc độ nhanh ở những giai đoạn sau”.

Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục được điều chỉnh phù hợp qua từng giai đoạn phát triển. Nếu ở giai đoạn đầu hướng phát triển Côn Đảo xác định cơ cấu kinh tế “hải sản - dịch vụ - công nghiệp” thì giai đoạn 2001-2005, kinh tế tăng trưởng cao, chuyển dịch theo cơ cấu “dịch vụ - du lịch - công nghiệp”. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2005 hơn 10 triệu đồng, đến năm 2010 hơn 19 triệu đồng, từng bước tạo lập kết cấu cơ sở hạ tầng phù hợp đưa Côn Đảo trở thành một trung tâm du lịch chất lượng cao. Văn hóa phát triển và các vấn đề xã hội được thực hiện tốt; du lịch - dịch vụ và công nghiệp cũng là cơ cấu cứng cho toàn huyện đến giai đoạn 2015-2020.

Hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường biển ngày càng được quan tâm cải thiện. Trong đó, giao thông đường hàng không đã tăng thêm tần suất chuyến bay đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách và nhân dân trên đảo. Cùng với sự phát triển của lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội ngày càng được quan tâm chỉ đạo triển khai có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực; đời sống nhân dân tiếp tục cải thiện. Côn Đảo giữ được nét hoang sơ, môi trường xanh sạch đẹp, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ dưỡng.

47 năm sau ngày giải phóng, Côn Đảo ngày nay đã không ngừng đổi thay, mạng lại diện mạo mới đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. “Vị thế, tiềm năng phát triển của Côn Đảo đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước vào huyện đảo”, ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

(Còn nữa)