Kỳ 2: Những bước ngoặt trên mặt trận quân sự

“Đường tới Paris”

Chiến thắng Vạn Tường – Quảng Ngãi

Tháng 3/1965, trở thành cột mốc đánh dấu sự leo thang của ỹ khi những đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Với việc đưa quân viễn chinh trực tiếp vào tham chiến với quy mô lớn, gỡ thế thua, thay đổi cục diện và dành thắng lợi trên chiến trường Việt Nam. Mỹ đề ra chiến lược trong 3 giai đoạn, trong hơn 2 năm và rút quân vào năm 1967. Ngày 18/8/1965, hơn 9.000 lính thủy đánh bộ Mỹ và quân đội Sài Gòn từ Chu Lai – Quảng Nam cùng 11 tàu đổ bộ và 100 máy bay lên thẳng mở cuộc hành quân “Ánh sáng sao” vào thôn Vạn Tường – Quảng Ngãi hòng tìm diệt một đơn vị chủ lực của quân giải phóng để tạo thành thế cho quân viễn chính Mỹ và mở rộng vùng an toàn cho căn cứ Chu Lai.

Chiến thắng Vạn Tường – Quảng Ngãi (ảnh tư liệu)

Đứng chân tại Vạn Tường chỉ có một trung đoàn quân giải phóng đang huấn luyện củng cố lực lượng và quyết tâm trụ lại tại chỗ đánh địch. Sau hơn một ngày chiến đấu quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 900 lính Mỹ và đồng minh, bắn cháy 22 xe tăng, xe bọc thép, bắn hạ 13 máy bay, buộc định phải rút lui. Trận Vạn Tường là trận đầu tiên quân viễn chinh Mỹ trực tiếp chiến đấu quy mô lớn trên chiến trường miền Nam Việt Nam và phải chịu tổn thất ngoài sức tưởng tượng và chúng ta có thể coi trận Vạn Tường là bước ngoặt chứng minh rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí và hỏa lực so với quân giải phóng. Sau chiến thắng Vạn Tường quân giải phóng liên tiếp gây bất ngờ với quân đội Mỹ với những trận đánh và chiến thắng trên chiến trường. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ phá sản.

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Tháng 4/1967, trong chuyến công tác của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra miền Bắc báo cáo về tình hình miền Nam. Đại tướng đã đề xuất những cuộc tiến công đánh thẳng vào hang ổ của Mỹ trong các thành phố, thị xã để tạo chuyển biến lớn. Một kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam được vạch ra vào năm bản lề 1968, năm bầu cử tổng thống Mỹ. Đây chính là một cú đập lớn để tạo bước đột phá chiến lược nhằm buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, từ bỏ chiến tranh.

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (ảnh tư liệu)

Đêm 29, rạng sáng 30 tháng Giêng, thời khắc lịch sử của giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, quân giải phóng đồng loạt tấn công vào 5 trong 6 thành phố lớn, 37 thị xã, 64 thị trấn trên toàn miền Nam. Trong thời gian ngắn, ta loại khỏi vòng chiến đấu 150 nghìn quân đội, trong đó có 40 nghìn quân Mỹ, phá hủy 30% vật tư chiến tranh (hơn một triệu tấn); phá hơn 600 ấp chiến lược, giải phóng 1,3 triệu dân... Đây là lần xuất quân có tầm vóc, quy mô và khí thế cao chưa từng có kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu cho đến năm 1968, đã giáng một đòn bất ngờ làm đảo lộn toàn bộ chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cuộc tổng tấn công táo bạo của quân giải phóng đã trở thành nỗi bất ngờ lớn trong chiến tranh Việt Nam, đập tan hy vọng về “...Ánh sáng cuối đường hầm trong những báo cáo lạc quan của Mỹ và chính quyền Sài Gòn”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại Việt Nam.

“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

Sau một thời gian rất dài đàm phán (từ 13/5/1968 đến 17/10/1972), văn bản hiệp định cơ bản đã được hoàn tất theo tinh thần Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và dự kiến thời điểm ký kết Hiệp định là ngày 31/10/1972. Tuy nhiên, tháng 12-1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn vô thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đế quốc Mỹ mưu đồ mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc Việt Nam, với trọng điểm tấn công là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 18/12/1972 và kết thúc vào ngày 29/12/1972, phía Mỹ gọi trận không kích ở Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm ấy là “Chiến dịch Linebacker II” hay còn với cái tên là “Chiến dịch ném bom lễ Giáng sinh” nhằm phá hủy, tiêu diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây sức ép buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán với những điều khoản có lợi cho phía Mỹ. “Chiến dịch ném bom lễ Giáng sinh” có thể coi là cuộc tập kích bằng đường không với sự huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, với chủ yếu là “siêu pháo đài bay” B-52 của không lực Mỹ, cùng hàng trăm máy bay ném bom, nhiều tàu sân bay, tàu chiến hiện đại nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ.

Tuy nhiên, với bản lĩnh, trí tuệ kiên cường, quân và dân Thủ đô Hà Nội, bộ đội phòng không – không quân đã phát huy cao độ vai trò nòng cốt đi đầu trong kháng chiến chống Mỹ để đương đầu với thử thách chưa từng có trong lịch sử, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Kết quả, sau 12 ngày đêm chiến đấu chưa bao giờ Đế quốc Mỹ chịu tổn thất nặng nề như trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh vào Hà Nội, Hải Phòng,... Trong chiến dịch lịch sử này, quân và dân ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52, 81 máy bay A-7, 01 máy bay F-105, 04 máy bay AD-6, máy bay trực thăng HH-53, một máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” có một không hai trong lịch sử. Đúng như Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, tướng George Eade phải cay đắng thừa nhận: “Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng phi hành đoàn là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch định kế hoạch hàng đầu của Lầu Năm góc”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (ảnh sưu tầm)

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là niềm kiêu hãnh, tự hào về sự lãnh đạo tài tình, chính xác của Đảng, tài lược dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự kiện cường, bất khất, anh hùng của bộ đội và nhân dân Việt Nam.

“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” và Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của chiến tranh nhân dân, chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục những khó khăn, gian khổ. Đó là sự kế thừa, phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam “mưu trí, sáng tạo, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”, là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong thế trận phòng không nhân dân, tổ chức hiệp đồng chiến đấu, tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa quan trọng buộc Mỹ phải ngồi lại bàn đàm phán và ký ệp định Paris theo những điều kiện do phía Việt Nam đưa ra.

Sáng 21/1/1973, cố vấn đặc biệt của Việt Nam và Mỹ lần lượt ký tắt các biên bản Hiệp định Paris. Ngày 27/1/1973, Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau 18 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh anh dũng, quân và dân ta đã đánh đuổi được đội quân viễn chinh xâm lược mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc ra khỏi đất nước ta. Với thắng lợi ngoại giao này, tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện thành công, để rồi sau đó, quân và dân ta tiếp tục “Đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.

Những bài học từ bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, cũng như trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sẽ luôn là bài học quý giá với hậu thế về sự tự lực, tự cường và đoàn kết của dân tộc, để người Việt Nam có thể đương đầu được với những phong ba của thời gian, biến thiên của thời cuộc.

Ngô Dũng