Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ mới

Tăng trưởng dương năm 2020 là một "kỳ tích"

Năm 2020, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng dương. Bất chấp tác động nghiêm trọng của đại dịch, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 3%. Điều quan trọng, mức tăng trưởng của Việt Nam không chỉ cao hơn mức khoảng 2,3% của Trung Quốc mà còn là tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Á vào năm 2020. Thành tựu này là một "kỳ tích" thực sự đối với một quốc gia đang phát triển như nước ta.

Trước đó, mức tăng trưởng của Việt Nam khá đáng kể, khoảng 7% liên tục trong nhiều năm.

Thống kê cho thấy, bất chấp những vấn đề phát sinh từ đại dịch, xét về giá trị GDP, Việt Nam đạt trên 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia với mức 1.090 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD.

Thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2020 được ghi nhận ở mức 19,06 tỷ USD, với giá tiêu dùng trung bình tăng 3,23% và lĩnh vực chế biến và chế tạo có mức tăng trưởng 3,98%. Quả thực là một thành tích đáng nể.

Đáng chú ý, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng GDP 6,5% đối với Việt Nam vào năm 2021. IMF cũng kỳ vọng rằng trong 2021, thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ thu hẹp so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng lên mức hơn 3.750 USD trong vài năm tới.

Không chỉ IMF mà Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng có những dự báo khá lạc quan và nhiều triển vọng và nền kinh tế trong nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao rằng, không có gì ngạc nhiên khi thấy Việt Nam mong muốn tiếp tục các chính sách hiệu quả đã triển khai và duy trì trước đó, thể hiện qua việc bầu ra ban lãnh đạo mới. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV tới đây đặc biệt là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tín nhiệm cao tiếp tục giữ trọng trách người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ ba là minh chứng rõ nét cho mong muốn đó.

Tin tưởng vào hiệu quả, hiệu lực của Chính phủ mới

Các vị trí đứng đầu chủ chốt đều nhận được tín nhiệm cao từ Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: HNV)

Cũng theo các chuyên gia quốc tế, việc nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước; Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính trở thành Thủ tướng mới và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục cho thấy, dưới thời của các nhà lãnh đạo mới, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách an ninh và đối ngoại cũng như chiến lược kinh tế đa phương bền vững và hiệu quả.

Tuy nhiên, đất nước đang phải đối mặt với một số thách thức trong lĩnh vực kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm 25% so với năm 2019, đạt 28,53 tỷ USD tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào năm 2020. Các dự án đăng ký năm 2020 cũng giảm 35% so với năm 2019. Bên cạnh đó, cả nước đã tiếp tục chính sách ngăn chặn đại dịch và các vấn đề liên quan đến y tế, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước. Vấn đề phục hồi các doanh nghiệp vừa và nhỏ về như trước đại dịch vẫn là một thách thức lớn.

Mặc dầu vậy, đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng như của các chuyên gia quốc tế đề cập ở trên cho thấy các bước hiệu quả để kiểm soát đại dịch COVID-19 của Việt Nam cần tiếp tục được duy trì và tập trung cho phục hồi các hoạt động kinh doanh. Thậm chí, sự phục hồi kinh tế đặt ra những thách thức mới khi các nước khác đang thay đổi chính sách thương mại do ảnh hưởng của đại dịch và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp diễn.

Liên quan đến đại dịch, cho đến nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kiểm soát tốt sự lây lan một cách tích cực nhưng trong lần bùng phát dịch thứ tư hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ cần cẩn trọng hơn, hệ thống chính trị mới cần phải rà soát và điều chỉnh phù hợp các khoản chi để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị, Chính phủ mới cũng sẽ cần giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động, trong đó lưu ý tới những cơ hội đòi hỏi lực lượng lao động lành nghề trong nước. Đáng khen là, các ưu tiên do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là phù hợp với sáu nhiệm vụ chính và ba đột phá chiến lược, bao gồm chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế dựa trên kỹ thuật số, phát triển khoa học và công nghệ và tạo dựng môi trường thuận lợi hơn cho phát triển doanh nghiệp cũng như cho các vấn đề về sản xuất.

Nguồn vốn FDI nhiều khả năng sẽ được cải thiện và các nỗ lực thu hút FDI cần được đẩy mạnh. Ngoài các thế mạnh về đất đai, lao động có tay nghề cao và các chính sách tạo thuận lợi trong kinh doanh thì đã đến lúc Chính phủ mới cũng nên tập trung vào các chính sách tài khóa và thực thi các chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ nhiều hơn. Việt Nam cũng cần phải điều chỉnh các chính sách của mình cho phù hợp với Sáng kiến khả năng phục hồi chuỗi cung ứng do Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đề xuất.

Những khó khăn do đại dịch và các chính sách kinh tế của các quốc gia khác khiến nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam càng trở nên vô cùng thách thức. Chính phủ mới tự tin sẽ vượt qua những thách thức ấy, nhưng cần phải bám sát liên tục những diễn biến để định hướng lại các chính sách của Việt Nam.

Các chuyên gia quốc tế phân tích, với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Việt Nam cũng sẽ có nhiều trách nhiệm lớn. Bên cạnh đó, trong ASEAN, Việt Nam là nước lãnh đạo trong thực tế. Tất cả đòi hỏi một chiến lược được soạn thảo kỹ lưỡng để phát huy vai trò của Việt Nam một cách cân bằng. Từ trước tới nay, ở các cương vị và vị trí khác nhau, Việt Nam cho thấy là quốc gia đã xử lý rất tốt và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới.

Tin rằng, Chính phủ mới có đủ khả năng để ứng phó với những thách thức mới, đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội. Tín hiệu đáng mừng và đáng chú ý nhất thể hiện ở việc quý I/2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã ghi nhận ở mức 4,5%./.

Lê Nguyễn