Làm đẹp cấp tốc: coi chừng 'mất Tết' vì tin vào quảng cáo

Liên tục xuất hiện nhiều ca biến chứng thẩm mỹ

Thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Da liễu TPHCM, từ đầu tháng 1 đến nay, những đơn vị này liên tục tiếp nhận các trường hợp bị tai biến vì làm đẹp đón Tết. Đáng chú ý, có những trường hợp bị mù mắt, phải thở máy, thậm chí nặng đến mức tiên lượng xấu, không còn khả năng điều trị.

Theo đó, tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, trong vòng 2 tuần gần đây đã có hơn 25 trường hợp gặp sự cố sau khi đi làm đẹp. Hầu hết các tai biến phần lớn liên quan đến các thủ thuật tiêm chích như tiêm chất làm đầy, tiêm vi điểm, tiêm botox…

Bác sĩ, chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết dịp cận ết, nhiều người muốn đẹp hiệu quả ngay và phục hồi nhanh nên ưu tiên chọn thẩm mỹ nội khoa như tiêm filler (chất làm đầy), botox, meso… Vì vậy, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã tận dụng quảng cáo, đưa ra cam kết có cánh, làm đẹp cấp tốc, cũng như đưa ra các chương trình giảm giá để thu hút khách hàng.

Nhiều người tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ và hậu quả là các tai biến, biến chứng xảy ra ngày càng nhiều. Các tai biến thẩm mỹ rất đa dạng, có nhiều mức độ và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân có thể bị viêm da tiếp xúc, viêm mô tế bào, nhiễm trùng da nặng hoặc nguy hiểm hơn là gây tàn tật như mù mắt, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí là tử vong, bác sĩ Thúy cho biết.

Nhiều trường hợp bị tai biến phải nhập viện điều trị vì làm đẹp đón Tết, thậm chí có ca tiên lượng nặng. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Còn tại ệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), bác sĩ, chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thảo, Khoa Mắt thuộc bệnh viện này, cho biết thời gian gần đây, đơn vị đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng sau khi tiêm filler ở các cơ sở không được cấp phép. Những trường hợp này cũng đều để lại những tai biến, biến chứng cho bệnh nhân rất nặng nề.

Cụ thể, trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân 26 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết não sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hạ gò má, gọt góc hàm, nhổ răng và đặt túi ngực. Một trường hợp khác là nữ Việt kiều phải nhập viện cấp cứu sau tiêm chất tan mỡ vào hai bên bắp chân, đùi, cánh tay, bụng, lưng tại một cơ sở spa ở TPHCM.

Trước nhiều ca tai biến thẩm mỹ trong thời gian vừa qua, bác sĩ Thảo khuyến cáo: “Những người có nhu cầu làm đẹp nên đến những cơ sở, bệnh viện uy tín để được các bác sĩ có kinh nghiệm tư vấn và có những chỉ định phù hợp”.

“Chuyên gia” tay ngang, gây ra biến chứng thẩm mỹ

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW (TPHCM), biến chứng thẩm mỹ xảy ra thường xuyên nhưng tăng cao vào thời điểm dịp Tết. Các biến chứng thường gặp nhiều là tiêm chất filler để làm đẹp nhanh. Tuy nhiên, chất filler trôi nổi, nguồn gốc xuất xứ như thế nào thì khách hàng không biết. Đáng nói hơn, một số người thực hiện kỹ thuật tiêm cũng không phải là bác sĩ, không được đào tạo đầy đủ, chủ yếu chỉ đi học vài buổi, sau đó thực hiện ‘chui’ cho khách hàng.

Do người thực hiện là ‘tay ngang’, không nắm được các vị trí thần kinh, mạch máu, cấu trúc giải phẫu học nên việc tiêm chất làm đầy này đã để lại biến chứng nghiêm trọng. Bệnh viện này cũng từng phẫu thuật khẩn cấp để giảm biến chứng cho nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ ở nhiều nơi chuyển đến.

Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết: “Thống kê của bệnh viện này cho thấy có gần 78% trường hợp người thực hiện gây ra tai biến không phải là bác sĩ. Hơn 15% bệnh nhân không nhận định được người thực hiện thủ thuật cho mình là bác sĩ hay không và khoảng 6% ca tai biến do bác sĩ gây ra”.

Ngoài ra, có những nguyên nhân khác dẫn đến tai biến thẩm mỹ là do sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định, thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ chui…

Bác sĩ Dung cũng chỉ ra đặc điểm chung của những khách hàng bị biến chứng là thường bị đánh lừa bởi những lời quảng cáo làm đẹp lung linh. Thế nhưng, khi khách hàng đến thực hiện làm đẹp thì một số cơ sở có thể có những chiêu trò mà khách hàng không biết được. Chẳng hạn như đối với tiêm tan mỡ hoặc tiêm filler, rất nhiều ca biến chứng nhập viện nhưng bệnh nhân không biết chất tiêm vào cơ thể là gì.

Người có nhu cầu làm đẹp nên đến các đơn vị y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn và có những chỉ định phù hợp. Ảnh minh họa: Bệnh viện Da liễu TPHCM

Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy hiện trên địa bàn thành phố có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%), 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Như vậy, có 6.489 cơ sở hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép. Trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da và 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng…

Tình trạng quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động, quảng cáo trái phép trên mạng xã hội dễ gây cho người dân hiểu nhầm; sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định an toàn; hoạt động hậu kiểm đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức là những thách thức trong công tác quản lý hoạt động thẩm mỹ trên địa bàn thành phố được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nêu ra tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TPHCM vào giữa năm 2023 vừa qua.

Trước thực tế này, đại diện ngành y tế thành phố cho rằng cần có thêm những giải pháp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị quản lý. Công tác kiểm tra và xử lý các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ cũng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, ông Thượng nhấn mạnh TPHCM cũng cần xây dựng mạng lưới y tế trong cộng đồng, từ đó phát hiện kịp thời những cơ sở có dấu hiệu nghi ngờ hoạt động thẩm mỹ trái phép tại các khách sạn, nhà trọ. Các địa phương cũng cần khuyến khích người dân tại khách sạn, nhà trọ… chủ động cung cấp thông tin, phản ánh về những hoạt động đáng ngờ cho ngành y tế thành phố.

Minh Thảo