Làm gì để đón một xã hội già?

Công viên – một trong những sân chơi của người già. Ảnh: N.K

Già hóa nhanh và chất lượng sống thấp

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), ở Việt Nam, năm 2011, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% tổng số dân, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Theo dự báo, đến năm 2038, tức là chỉ sau khoảng 27 năm, tỷ lệ này sẽ đạt 20%, khi đó nước ta được gọi là có dân số “già”.

Trong khi đó, để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi như trên, thì Mỹ phải mất 69 năm, Úc 73 năm, Thụy Điển 85 năm, Pháp 115 năm.

Năm 2005, đất nước bước vào giai đoạn “dân số vàng”, điều đó có nghĩa là 40% trong tổng dân số là người trẻ ở độ tuổi 16-30, và 30 năm sau (2035) ít nhất 20-25% số người trong nhóm “vàng” này bước vào độ tuổi 60. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi bàn ăn có bốn người thì bao gồm một người già, và hơn một người nữa sắp già. Ở các nước sự già hóa diễn ra từ từ, nhưng ở ta sẽ là một sự “đổ ập đến” cùng một lúc, trong thời gian rất ngắn.

Ngoài chuyện già hóa nhanh thì người già ở Việt Nam có chất lượng sức khỏe thấp. Báo cáo về Tình hình thực hiện công tác dân số sáu tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình có đề cập đến một thực trạng là tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia, chỉ khỏe mạnh đến 64 tuổi, đặc biệt 67,2% trong số họ có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Phụ nữ có trung bình 11 năm sống trong bệnh tật, trong khi ở nam giới là khoảng tám năm.

Bình quân mỗi người cao tuổi có ba bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư… Ngoài ra còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ…

Chuẩn bị cho xã hội người già: trông người, ngẫm ta

Hôm nay đến Nhật Bản, chúng ta thấy để có được một hệ thống chuyển động nhịp nhàng phục vụ cho xã hội già cỗi từ giao thông, nhà ở, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, đến đồ ăn thức uống, người Nhật đã chủ động đón xã hội già từ những năm 1970 của thế kỷ 20. Điều đó có nghĩa là họ chuẩn bị đón xã hội già trước 20 năm.

Họ chuẩn bị tâm lý, dư luận xã hội, xây dựng các quy định pháp lý và một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội hoàn thiện cho xã hội chuyển dần sang già hóa, từ mỗi gia đình đến nơi công cộng, từ cơ quan hành chính đến mọi ngõ ngách đời sống. Đáng chú ý, họ xây dựng một hệ thống cư trú riêng cho người già, đó là hệ thống nhà dưỡng lão chất lượng cao.

Người Việt Nam có câu “nước đến chân mới nhảy” để chỉ việc không chủ động trong ứng phó các tình huống bất trắc xảy ra. Xã hội già không phải là tình huống, hay hiện tượng mà là một sự chuyển động mang tính quy luật liên quan đến hàng chục triệu người và phải thay đổi toàn bộ hay một phần rất lớn hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng dịch vụ xã hội. Điều đó vô cùng tốn kém tiền bạc, công sức, do vậy cần phải xây dựng những chiến lược đón đầu từ trước 15-20 năm.

Ở nước ta đã có rất nhiều lĩnh vực do không làm công tác chuẩn bị tốt cho nên lúng túng, bị động dẫn đến chậm ban hành chính sách và thực thi, nên đối tượng thụ hưởng bị thiệt thòi. Chẳng hạn, người khuyết tật ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao, nếu tính tất cả như khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động, câm, cụt chân tay… thì phải lên đến 7% dân số.

Thế nhưng, mãi đến năm 2002, lần đầu tiên Việt Nam mới ban hành quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ trong công trình xây dựng. Ví dụ như công trình phải có phòng vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật, lối đi có ram dốc cho người đi xe lăn. Rồi mãi đến năm 2014 các tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho người khuyết tật mới được bổ sung thêm nhiều điều khoản khác như chữ số nổi trong bảng điều khiển thang máy, bệ vệ sinh thiết kế riêng cho người khuyết tật trong chung cư, bệ nâng của xe buýt công cộng…

Trong bối cảnh như thế, nhìn lại mới thấy Việt Nam vẫn còn bình chân như vại, hầu như chưa có chuẩn bị gì để đón đợi làn sóng bạc ập đến nay mai. Hình như các cơ quan quản lý cho rằng chỗ dựa của người già Việt Nam chủ yếu là gia đình, dòng họ, làng mạc theo kiểu “trẻ cậy cha, già cậy con” cho nên chưa có chuẩn bị gì từ chính sách đến lộ trình hiện thức hóa. Cả nước mới chỉ có một bệnh viện lão khoa thành lập năm 2016 với quy mô rất khiêm tốn 500 giường, không có trường đại học nào có khoa lão khoa, chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên ngành điều dưỡng phục vụ người già.

Y tế Một thực tế là hiện nay Việt Nam đang thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên lão khoa, nguồn nhân lực chăm sóc người già chủ yếu dựa vào người nhà; chưa có nhiều cơ sở chuyên biệt dành cho người già như viện dưỡng lão.

Trong số 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu có ít nhất một viện ở mỗi tỉnh vào năm 2025, nhưng điều này không thể thực hiện được vì rất nhiều lý do khác nhau.

Bắt tay vào việc ngay từ bây giờ…

Quay trở lại chuyện chuẩn bị cho một xã hội sắp già ở các thành phố lớn như TPHCM. TPHCM có tỷ lệ già hóa dân số tăng nhanh, trong khi tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước (1,39 con). TPHCM là nơi được coi là giàu có nhất cả nước nhưng lại là nơi chuẩn bị cho một xã hội già thuộc hàng chậm nhất cả nước, nhất là việc “đảm bảo sống khỏe”.

Có một thực tế là ở Hà Nội người già có nhiều chỗ chơi hơn và nhiều hội đoàn để sinh hoạt hơn. TPHCM quá ít công viên, không gian cộng cộng, không gian cộng đồng ở khu dân cư. Một nghiên cứu thực hiện năm 2018 cho thấy hơn 95% người già ở TPHCM bó gối ở nhà xem ti vi, ra đường thì sợ tai nạn giao thông, với lại có ra đường cũng chẳng biết đi đâu vì không có mấy nơi dành riêng cho mình như công viên, nhà văn hóa, tụ điểm vui chơi. Sang nhà hàng xóm như ở quê thì cũng khó vì ở thành phố đa phần nhà ai biết nhà nấy.

Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là chuẩn bị cho “tâm lý già” cho người sắp già và người trẻ; cho lãnh đạo (người ra chính sách) và dân chúng. Trong phạm vi gia đình có một người già đã vất vả rồi, huống chi một phần tư dân số, rồi tới một phần ba dân số hơn 60 tuổi thì tình hình xã hội sẽ khác lắm rồi, nếu không trù tính trước vài chục năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ và các doanh nghiệp phải tính đến một hệ thống hạ tầng và dịch vụ đa dạng, đa cấp cho xã hội người già. Đó là chuyển từ nhanh sang chậm, từ cao sang thấp, từ phức tạp sang đơn giản, từ vuông sang tròn, từ nặng sang nhẹ.

Trong một cao ốc chung phải có một thang máy tốc độ chậm dành cho người già, độ cao bậc tam cấp chỉ chừng 10-12 centimet cho vừa bước chân họ. Ở nơi công cộng như nhà ăn, bến xe buýt, ga tàu, sân bay có chỗ ngồi và nhà vệ sinh thiết kế dành cho người già. Trong siêu thị cho người già, hàng hóa trưng bày thấp vừa tầm với, giá tiền viết to hơn…

Ở Nhật Bản, nhiều thành phố còn có làn đường riêng dành cho xe biển số vàng (xe rùa của người già) với tốc độ cà rịch cà tang. Trong nhà, không có những đồ đạc có góc vuông mà phải bo tròn, đồ phải nhẹ không gây thương tích khi bị đổ vào người và dễ bề di chuyển. Các loại vật dụng điện, điện tử không chỉ an toàn tuyệt đối mà còn phải dễ thao tác. Một điện thoại thông minh, máy tính bàn dành cho người già phải đơn giản hết mức có thể, nếu phức tạp quá là thất bại.

Vậy đấy, phải xắn tay vào cuộc sớm, để Việt Nam có thể bước vào xã hội già một cách nhẹ nhàng, không bị sốc, không xảy ra xung đột. Phải làm sao để người già không là gánh nặng của gia đình, xã hội. Nên nhớ tuổi trẻ là tương lai đất nước, còn tuổi già là tương lai của mỗi người.

TS. Nguyễn Minh Hòa