Lan tỏa nét đẹp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ à Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU (nhiệm kỳ Đại hội XVII).

Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án… gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Nhiều sáng kiến, mô hình hay đem lại kết quả đáng ghi nhận, như: Xây dựng phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”; “Thanh niên làm theo lời Bác”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô “Tiên tiến, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, giữ gìn môi trường, thanh lịch, nhân ái”; xây dựng “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”…

Thành ủy Hà Nội tổ chức thường niên Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; UBND TP ban hành 2 Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế đó có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, được nêu rõ trong Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Quang cảnh hội nghị.

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi yêu cầu toàn thể các cán bộ, phóng viên của Báo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng những bài viết, tuyến bài liên quan đến xây dựng người Hà Nội văn hóa, văn minh, thanh lịch; làm cho những giá trị, phẩm chất của người Hà Nội thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.

Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố xây dựng văn hóa trên cơ sở lấy gia đình làm nền tảng, bồi đắp giá trị gia đình: lễ phép, lịch sự, hòa thuận…; xây dựng môi trường giáo dục, đề cao kỹ năng sống trong nhà trường; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, hướng đến Thủ đô đáng sống, điểm đến hấp dẫn. Cùng với đó, xây dựng và thực hành văn hóa trong lãnh đạo.

Kịp thời tuyên dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các hành vi ứng xử đẹp của người dân Thủ đô. Linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc biệt chú trọng đến việc định hướng cho thế hệ trẻ Thủ đô, nhất là trên môi trường không gian mạng và các ứng dụng trên nền tảng số nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực cho thế hệ trẻ.

“Cần tăng cường những bài viết chuyên sâu, nghiên cứu triển khai những bài viết mang tính phản biện để góp ý cho Thủ đô để có những biện pháp triển khai Chỉ thị đi vào thực chất” - Tổng biên tập Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Phạm Hùng - Thủy Tiên