Lao động dần quay lại TP.HCM: Dân vui với ăn uống tại quán

Ngày 28-10 là ngày đầu tiên TP.HCM chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ và phải đảm bảo một số điều kiện. Các cơ sở kinh doanh và người dân đều tỏ ra hào hứng trước quyết định mới của TP và tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh từng bước được kiểm soát, người lao động ngoại tỉnh cũng bắt đầu quay lại TP để mưu sinh.

Vừa kiểm soát dịch vừa mở cửa

Sáng cùng ngày, bên lề kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau gần một tháng mở cửa, tình hình dịch COVID-19 diễn biến trong kiểm soát. Số ca dương tính hằng ngày tại TP.HCM không tăng đột biến, số chuyển nặng và tử vong có xu hướng giảm.

Hiện các quận, huyện đang sơ kết, tổng kết để rút ra bài học, củng cố lại hệ thống nguồn lực để vừa kiểm soát dịch vừa mở cửa, cũng như chuẩn bị nếu như có những tình huống mới xảy ra.

Về quyết định mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ, chủ quán và chính quyền địa phương phải quản lý để việc mở bán tại chỗ đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, như phục vụ 50% công suất và các biện pháp khác.

Việc thí điểm cho bán bia rượu tại TP Thủ Đức và quận 7, ông Mãi nói: “Có ý kiến cho rằng bán ăn tại chỗ thì không nên bia rượu, có ý kiến thì nên. Vì vậy, TP muốn có thí điểm để có thực tiễn, nếu tình hình tốt, cải thiện thêm thì việc này sẽ được mở ra”.

Ông Mãi khẳng định trong thời gian thí điểm (đến ngày 15-11), ngoài chủ tịch UBND TP Thủ Đức và quận 7 phải theo dõi, đánh giá thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM cũng sẽ theo dõi, đánh giá và có sơ kết, rút kinh nghiệm để tính tiếp. Nếu tình hình ổn thì sẽ tiếp tục mở ra ở những địa bàn có nhu cầu và đảm bảo an toàn.

Mong từng ngày để được bán tại chỗ

Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận cảnh khá đông người tại một số quán ăn trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình), Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)… Các chủ quán ăn mở cửa hàng từ sớm, khách hàng không chỉ mua mang đi mà còn thưởng thức tại chỗ với tâm trạng hào hứng, khác lạ.

Cửa hàng bán bánh đa cua của chị Nguyễn Thanh Thủy trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) đã đón khách trở lại sau nhiều ngày đóng cửa vì dịch bệnh. Chị Thủy cho biết rất vui mừng trước quyết định mới của TP vì đã mong chờ từng ngày. Hôm qua, chị ước tính đã bán được khoảng 30 tô cho những khách hàng quen, trong đó nhiều khách ngồi tại chỗ thưởng thức món ăn.

Sáng 28-10, một quán bán đồ ăn trên đường Cao Thắng (quận 3, TP.HCM) phục vụ tại chỗ theo tiêu chí an toàn. Ảnh: THU HÀ

Tại quán cà phê Bụi (phường 2, quận Tân Bình), anh Lê Anh Hướng (nhân viên văn phòng) tỏ ra thoải mái với việc uống cà phê tại quán. “Mình cũng lo sợ dịch bệnh nhưng với tỉ lệ tiêm vaccine hai mũi khá cao như hiện nay thì cũng yên tâm. Dù sao cảm giác uống một ly cà phê ở quán vẫn thích và có tinh thần làm việc hơn là pha một ly cà phê uống tại nhà” - anh Hướng nói.

Người lao động đã quay lại dù chưa nhiều

Ngày 28-10, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM tại Bến xe (BX) Miền Đông và BX Miền Tây, lượng người đi và đến TP.HCM bằng xe khách chưa nhiều. Trước khi vào bãi để lên xe, nhân viên bến kiểm tra rất kỹ những yêu cầu như thẻ xanh COVID, giấy xét nghiệm để phòng chống dịch bệnh.

Khu vực chờ trong BX Miền Đông chủ yếu là người từ TP.HCM về các tỉnh, bao gồm sinh viên, người bị kẹt lại TP. Lượng người lao động từ các tỉnh quay lại TP.HCM làm việc có nhưng chưa nhiều.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc BX Miền Tây, nói: “Lượng khách qua bến chưa đông (ngày 27-10 chỉ 20 xe và 277 khách) bởi người dân trở lại TP.HCM bằng nhiều loại phương tiện, xe khách chỉ là một phần ngoài xe cá nhân. Cạnh đó, các hãng xe đăng ký hoạt động còn ít, nhu cầu đi lại của người dân chưa cao do họ ngại đi xe khách sẽ dễ lây nhiễm”.

Theo ông Phương, các tuyến cố định về BX Miền Tây đa số đến từ các tỉnh vùng vàng, vùng xanh, vùng có nguy cơ thấp nên vào TP.HCM không bị hạn chế. Khi khách đủ điều kiện mua vé ở đầu đi thì khi đến nơi, BX chỉ hướng dẫn người dân theo luồng đi ra cho an toàn. Người dân di chuyển từ BX về nhà bằng tuyến xe buýt số 14 (BX Miền Đông - BX Miền Tây) hoặc bằng phương tiện cá nhân chuẩn bị sẵn.

“Trước khi dịch, lượng khách đến bến cao 20.000-30.000 người nên nếu lượng công nhân và lao động tự do quay lại tăng đột biến, BX cam kết sẽ đảm bảo an toàn chống dịch và phục vụ tốt nhất” - ông Phương nói.

Phó Giám đốc BX Miền Đông Tạ Chương Chín cho biết bình quân lượng xe liên tỉnh vào bến chỉ khoảng 35 lượt/ngày từ 10 địa phương và chỉ có tám khách/lượt xe. “Với lượng khách này và dù có tăng đột biến trong những ngày tới thì chúng tôi vẫn đủ năng lực để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hành khách” - ông Chín nói.

Theo ông Chín, BX phân luồng theo nguyên tắc một chiều, tránh tối đa giao cắt của các loại phương tiện, không gây ùn ứ, đảm bảo khoảng cách cho hành khách. Ngoài ra, tại BX có bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR, bố trí vị trí lực lượng để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh, có cả khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.

Tại ga Sài Gòn, lượng người từ các tỉnh đến TP.HCM bằng tàu hỏa cũng không nhiều, chỉ khoảng 320 người/ngày. Dù vậy, tại đây các nhân viên, hành khách về đến ga vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết ngành đường sắt sẽ căn cứ trên nhu cầu đi lại của người dân để lên kế hoạch tăng hay giảm các tuyến tàu cố định. Tổng cộng ngành đường sắt có ba chuyến tàu SE trên tuyến TP.HCM đi Hà Nội và ngược lại chạy mỗi ngày.•

NHÓM PV