Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực”được vinh dự đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội này được tổ chức thường niên hằng năm vào những ngày 26,27 và 28 tháng 8 âm lịch. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 155 năm “chiến thắng diệt đồn Kiên Giang” của ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân. Đặc biệt, trong chương trình tối nay, Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực” được trao Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một chương trình sân khấu hóa tái hiện lại cuộc đời và những chiến công hiển hách của ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân trong cuộc chiến chống thực dân Pháp.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ôn lại những chiến công của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Theo đó, Nguyễn Trung Trực nổi tiếng với 2 chiến công vang dội tiêu biểu và câu nói “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, được sử sách lưu danh, người đời ca tụng.

Đông đảo nhân dân từ khắp mọi miền về thắp hương tại đình thần Nguyễn Trung Trực

Năm 23 tuổi, ông đã chỉ huy đốt và đánh chìm tàu Pháp trên Vàm Nhựt Tảo - minh chứng trong thực tế ưu thế vượt trội của giặc về tàu đồng, đạn sắt không phải là bất khả xâm phạm. Năm 30 tuổi, ông tiếp tục chỉ huy diệt đồn Kiên Giang, diệt một lúc trên 70 quân Pháp - kể từ ngày quân Pháp xâm lược đặt chân lên đất nước ta, chưa có trận nào mà trong 1 tiếng đồng hồ chúng bị tiêu diệt nhiều như vậy. Và lần đầu tiên nghĩa quân “giải phóng”, làm chủ tình hình 1 tỉnh lỵ trong 1 tuần lễ.

Sau khi bắt được ông, khuyến dụ không thành, ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi. Người dân tỉnh Rạch Giá đổ về khu vực pháp trường (gần đồn Kiên Giang) để chứng kiến và đưa tiễn ông.

Để tưởng nhớ công lao của người anh hùng xả thân vì nước, người dân đã thờ cúng ông tại đình thờ Ông Nam Hải tại xóm chài trên bờ kênh ông Hiển. Đến năm 1891 đình thần Nam Hải mới được di dời về địa điểm hiện tại thuộc phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá.

Hàng năm, cứ đến ngày 26 – 27 – 28 tháng 8 âm lịch (ÂL), nhân dân ở khắp nơi trong cả nước về ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực để chiêm bái, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân vị Anh hùng dân tộc.

Mỗi năm, di tích đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách đến viếng, là một điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt của tỉnh.

Mỗi năm, di tích đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách đến viếng, là một điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt của tỉnh

Tại buổi lễ tối nay, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực – thành phố Rạch Giá vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, và cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn về những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các thế hệ nghệ nhân và mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để hôm nay di sản được vinh danh và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao tỉnh Kiên Giang, phó trưởng ban tổ chức lễ hội cho rằng, lễ hội tổ chức tại đây được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện sự công nhận trong phần tổ chức lễ hội tại tp rạch giá mang tinh cộng đồng rất cao của TP Rạch giá, của nhân dân trong tỉnh cũng như các địa phương ngoài tỉnh.

Lễ hội đã tổ chức nhiều năm nay, mang tính cộng đồng rất cao, tạo ý thức uống nước nhớ nguồn của dân tộc, của nhân dân ĐBSCL đối với anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương thắp hương tại ngôi đình thần Nguyễn Trung Trực

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một trong 3 vị anh hùng dân tộc được chính quyền và người dân Kiên Giang tôn kính tổ chức lễ kỷ niệm và dần nâng cấp lên thành lễ hội.

Trong chiều nay, nhiều đoàn cán bộ trung ương, các ban ngành đoàn thể địa phương đã đến thắp hương tại Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với vị anh hùng dân tộc đã xả thân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông, đất nước.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL