Lễ tình nhân Valentine, bàn chuyện tiền bạc của các cặp đôi

Lễ tình nhân Valentine, bàn chuyện tiền bạc của các cặp đôi

Nếu như khi mới yêu, chúng ta hoàn toàn tập trung vào cảm xúc và tận hưởng những giây phút ngọt ngào thì khi tới thời điểm xác định dài lâu hơn, việc làm thế nào duy trì và giữ ổn định những hạnh phúc đó là vấn đề tiên quyết cho mối quan hệ, và đó là lý do quản lý tài chính cá nhân đóng vai trò quan trọng trong tình yêu.

Đặc biệt đối với các cặp đôi người Việt, vấn đề này trở nên thách thức hơn do những yếu tố văn hóa và gia đình.

Đầu tiên, cũng giống như nhiều cặp đôi trên thế giới, các cặp đôi người Việt cũng có những niềm tin về tiền rất khác biệt. Một cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo khó, dù sau đó tự vươn lên và có thu nhập cao vẫn có thể sẽ giữ những nỗi sợ về sự thiếu thốn, dẫn tới khuynh hướng tiết kiệm quá mức.

Ngược lại, một chàng trai ở vùng nông thôn có thể sẽ có một niềm tin rằng các mối quan hệ xóm làng quan trọng hơn nhiều tiền bạc, vì vậy thường giúp đỡ tài chính quá nhiều những người xung quanh mình.

Sự khác biệt về niềm tin về tiền đôi khi sẽ tạo ra sự thu hút và khiến hai phía tò mò tìm hiểu về nhau như một sự tìm kiếm sự cân bằng, tuy nhiên, sau đó, chính sự khác biệt này có thể sinh ra các mâu thuẫn trong các vấn đề quản lý chi tiêu. Ví dụ như trường hợp trên, khi cô gái có khuynh hướng tiết kiệm và tích trữ cho các tình huống xấu, thì chàng trai có thể sẽ liên tục đem tiền đi giúp đỡ những người khác. Không ai trong số họ sai cả, đơn giản là họ có những niềm tin khác nhau về tiền bạc.

Thông thường, việc thay đổi niềm tin của đối tác là điều không dễ thực hiện, chúng ta nên chấp nhận sự khác biệt và tìm ra phương án để dung hòa chúng. Có nhiều kỹ thuật khác nhau từ đơn giản đến phức tạp để giải quyết vấn đề này, một trong số những cách đó là chúng ta phải thiết lập các mức tối đa - tối thiểu của các hoạt động gây mâu thuẫn. Ví dụ, trong tình huống trên, có thể hai người sẽ thiết lập mức tiết kiệm tối đa hàng tháng của ười vợ và mức chi tiêu giúp đỡ tối đa của người chồng.

Trong tình huống nghiêm trọng, cặp đôi nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân giàu kinh nghiệm - một người có khả năng lắng nghe từ cả hai phía, hiểu được những nguyên nhân cốt lõi của vấn đề để từ đó có thể giúp cả hai giải quyết những mâu thuẫn và đưa ra lựa chọn tối ưu nhất cho những mâu thuẫn đó.

(*) Ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Ngoài ra, trong văn hóa người Việt, việc chia sẻ về vấn đề tiền bạc thường xem là một chủ đề nhạy cảm. Điều này dẫn tới việc một bên có thể sẽ có khuynh hướng nói dối bên còn lại về cách họ sử dụng tiền (financial infidelity) do lo ngại về sự phê phán từ gia đình hoặc xã hội. Về lâu dài, việc này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong mối quan hệ tình cảm của các cặp đôi. Để có thể tránh được vấn đề này, hai bên cần minh bạch với nhau ngay từ đầu về các vấn đề tài chính.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, một số cặp vợ chồng lựa chọn việc quản lý tài chính cá nhân độc lập. Tuy nhiên, với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, nhìn chung, các vấn đề tài chính của vợ và chồng có liên quan mật thiết với nhau và khó được tách rời.

Trong thực tế tư vấn cho các gia đình, tôi đã từng quan sát được các tình huống hai vợ chồng độc lập hoàn toàn về tài chính, gây ra những rắc rối cho cả hai người: Người chồng tạm thời chưa trả được khoản nợ, khiến khoản nợ bị nhảy lên nhóm nợ xấu; trong khi đó, người vợ vẫn còn dư rất nhiều tiền đang gửi trong tài khoản không kỳ hạn. Tuy nhiên, có thể chính họ cũng không biết, một khoản nợ xấu của người chồng sẽ ảnh hướng ngay đến khả năng vay nợ của người vợ – thứ mà đáng lẽ không xảy ra nếu cả hai chia sẻ cho nhau về vấn đề tài chính của mình để cùng giải quyết.

Nếu hai bên quyết định sẽ quản lý tài chính tập trung, vấn đề ai là người quản lý tài chính của gia đình cũng là một chủ đề thú vị của các cặp đôi. Nhìn chung, phụ nữ được cho là có khả năng quản lý tài chính gia đình tốt hơn và có khuynh hướng đầu tư an toàn hơn đàn ông. Tuy nhiên, cũng không nên xác định một cách rập khuôn người phụ nữ sẽ là “tay hòm chìa khóa” của gia đình. Trên thực tế, người có tính cách phù hợp hơn nên là người quản lý tài chính cá nhân cho gia đình. Dẫu vậy, dù là ai quản lý tài chính, mọi thông tin về tài chính cần phải được minh bạch một cách tuyệt đối, được trao đổi một cách thẳng thắn và các mục tiêu tài chính phải được thảo luận và đồng thuận từ cả hai phía.

Có một xu hướng mới đang nổi lên ở các nước phát triển và được coi là cách hiệu quả để quản lý tài chính cá nhân cho các cặp đôi là Money Date - buổi hẹn hò về chủ đề tiền bạc. Việc này có thể được thực hiện hàng quý, giữa hai người hoặc có thêm sự trợ giúp của một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân.

Trong ngày lễ tình nhân , một sự khởi đầu về Money Date có thể là một quyết định đúng đắn, miễn là chúng ta không làm mất đi sự lãng mạn của ngày này bằng cách lôi vào các con số và các vấn đề chi tiết. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc trò chuyện, tìm hiểu về quá khứ của người bạn đời và những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến các quan điểm về tiền, để hiểu nhau hơn về các vấn đề tiền bạc và cùng nhau xác định những ước mơ tài chính. Những buổi trao đổi cụ thể hơn với các con số nên được dời lại vào các buổi Money Date sau đó.

Nguyễn An Huy (*)