Lệnh cấm của Mỹ trói chặt khả năng phòng thủ của Ukraine trước đòn tấn công từ Nga

Kể từ đầu cuộc xung đột đến nay, ỹ đã gửi cho Ukraine hàng tỷ USD hỗ trợ an ninh, nhưng lại cấm Kiev sử dụng vũ khí của Washington, đặc biệt là một số tên lửa tầm xa, để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào bên trong nước Nga.

Trong khi đang vận động chính quyền của Tổng thống Biden dỡ bỏ lệnh cấm, Mỹ vẫn không thay đổi lập trường trong vấn đề này, thay vào đó, chỉ chấp thuận cho Kiev tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Binh sĩ Ukraine bảo vệ tiền tuyến ở vùng Kharkov. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, Mỹ đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng nhằm dỡ bỏ lệnh cấm này, trong bối cảnh tiến hành đợt tấn công mới ở khu vực Kharkov, phía Đông Bắc Ukraine vào đầu tháng 5. Trong những ngày gần đây, một số nhà phân tích cho rằng, yêu cầu của Mỹ trong việc hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, đang cản trở Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công dữ dội từ Nga và làm suy giảm khả năng phòng thủ của Kiev.

Khả năng phòng thủ của Ukraine bị hạn chế

Sau khi tập trung lực lượng gần biên giới, Nga ngày 10/5 đã phát động một cuộc tấn công vào khu vực Kharkov như một phần trong nỗ lực bào mòn quân đội Ukraine tại tiền tuyến và khoét sâu vào tuyến phòng thủ của Kiev trong khu vực, đồng thời xây dựng “vùng đệm an toàn” dọc biên giới.

Cuộc tiến công vào Kharkov của Nga dường như đang tạo tiền đề cho cuộc tấn công vào mùa hè của Moscow trên nhiều hướng. Đòn tấn công mới của Nga cũng gây áp lực cho quân đội Ukraine vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và đạn dược, vũ khí cần thiết.

Ngay sau khi Nga tiến công vào Kharkov, giới quan sát và các quan chức Ukraine chỉ ra rằng, chính sách của chính quyền Tổng thống ngăn chặn Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công mục tiêu quân sự bên trong Nga là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tình hình trên chiến trường hiện nay, khi Moscow đã giành quyền kiểm soát một khu vực nhỏ lãnh thổ dọc biên giới.

George Barros, trưởng nhóm tình báo không gian địa lý và là nhà phân tích Nga tại Viện nghiên cứu chiến tranh, cho biết, hạn chế từ Mỹ “làm tổn hại nghiêm trọng đến khả năng tự vệ của Ukraine” trước cuộc tấn công của Nga.

“Chính sách của Mỹ đã tạo ra một nơi trú ẩn cho Nga một cách hiệu quả, trong đó Moscow có thể tập trung lực lượng tấn công và phóng bom lượn hoặc sử dụng các hệ thống ên lửa tầm xa để hỗ trợ cho các đòn tập kích”, ông Barros cho hay.

Trong khi đó, bom lượn là một mối đe dọa đáng kể đối với lực lượng Ukraine. Theo các chuyên gia quân sự, cách duy nhất để bảo vệ lực lượng ở tiền tuyến khỏi những vũ khí có sức tàn phá cao như bom lượn là đánh chặn máy bay Nga trước khi chúng dội hỏa lực. Tuy nhiên, sẽ không thể ngăn cản những máy bay này nếu chúng hoạt động trong phạm vi an toàn của không phận Nga, ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine.

“Dù Mỹ đưa ra lệnh cấm trước khi cuộc tấn công của Nga vào Kharkov diễn ra thì điều này cũng cần được sửa đổi ngay lập tức để phù hợp với tình hình thực tế trên chiến trường”, chuyên gia Barros nói.

Các quan chức Ukraine tuần trước cho biết, họ theo dõi các hoạt động của quân đội Nga ở khu vực biên giới, nhưng không thể làm gì để giảm bớt các cuộc tấn công vì lệnh cấm của Mỹ. Các quan chức Ukraine đã tới Mỹ trong nỗ lực mới nhằm thuyết phục chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ lệnh cấm.

Sau cuộc gặp với giới chức Ukraine, một nhóm các nhà lập pháp Mỹ ngày 20/5 đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ các hạn chế và cung cấp cho Kiev khả năng phòng thủ bổ sung.

Trong bức thư, các nhà lập pháp đã trích dẫn báo cáo của Politico, nói rằng chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Biden “đang hạn chế khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi lực lượng Nga gần Kharkov” bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

“Ukraine đã không thể tự bảo vệ mình do chính sách hiện tại của Mỹ. Điều cần thiết là chính quyền Tổng thống Biden cho phép các nhà lãnh đạo quân sự Ukraine có khả năng tiến hành đầy đủ các hoạt động cần thiết để đáp trả cuộc tấn công của Nga vào vùng đất thuộc chủ quyền của họ”, các nhà lập pháp nêu trong bức thư.

Binh sĩ Ukraine cũng đã nhấn mạnh thách thức này trong các cuộc thảo luận gần đây với truyền thông phương Tây.

“Chúng tôi có thể đẩy lùi những cuộc tấn công của Nga dọc biên giới ở Kharkov nhưng chúng tôi không có nhiều hệ thống tên lửa ATACMS và chúng tôi có lệnh cấm sử dụng vũ khí này ở đó”, một chỉ huy của lực lượng Ukraine cho biết.

Liệu Mỹ có thay đổi quyết định?

Mỹ từ lâu đã lo ngại rằng sự thay đổi trong chính sách của nước này có thể bị Tổng thống Nga Vladimir Putin coi là một sự leo thang căng thẳng.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã bác bỏ lý do này trong cuộc phỏng vấn với ABC News vào tuần trước. Bà Nuland nói Nga đã thực hiện các hành động để leo thang xung đột, bao gồm cả việc tiến hành cuộc tấn công gần đây vào Kharkov, nhấn mạnh giờ là lúc Mỹ phải thay đổi chính sách của mình.

“Nga đã học được cách rút lực lượng của mình ra khỏi phạm vi mà chúng tôi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ và nhận được sự hỗ trợ của chúng tôi”, bà Nuland nói.

Bất chấp sự ủng hộ ngày càng tăng đối với việc Mỹ nên dỡ bỏ lệnh cấm và Anh gần đây cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công Bán đảo Crimea, Washington dường như khó có thể sớm thay đổi quan điểm của mình.

“Chính sách của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết để tự vệ trong lãnh thổ chủ quyền của Ukraine”, Thiếu tướng Pat Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 21/5.

Trong khi đó, Ukraine cần phải tìm ra các biện thay thế để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa xuyên biên giới. Chẳng hạn, thay vì sử dụng tên lửa của phương Tây, Kiev đã sử dụng máy bay không người lái tự chế chứa chất nổ để tấn công các cơ sở năng lượng và quân sự chiến lược nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Mai Trang/VOV.VN Theo Business Insider