Loại bỏ vi nhựa trong đại dương nhờ loài trai

Ảnh: PML

Trong vùng nước của một bến du thuyền gần Phòng thí nghiệm biển Plymouth (Anh), một nhóm những con Trai đang bận rộn với công việc: lọc nước để lấy vi nhựa. Khi động vật hai mảnh vỏ kiếm ăn, chúng hút vi khuẩn, tảo và bất cứ thứ gì khác trong môi trường xung quanh, bao gồm cả vi nhựa, ra khỏi nước và vào mang của chúng. Giáo sư Pennie Lindeque, người đứng đầu phòng thí nghiệm về sinh thái biển và đa dạng sinh học, cho biết khi loài trai bài tiết chất thải, các vi hạt nhựa đi kèm với chất thải này và ”được đóng gói lại” theo cách giúp mọi người dễ dàng thu thập và loại bỏ khỏi đại dương.

Vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Nguồn gốc của vi nhựa có thể từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ ra nhưng chủ yếu từ các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết. Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng tập trung ra biển. Việc thu thập các vi nhựa này rất khó khăn: Khi các nhà nghiên cứu cố gắng sử dụng những chiếc sàng để lấy chúng ra khỏi đại dương, họ thường thu thập được cả vật chất hữu cơ và sinh vật biển.

Ảnh: PML

Biết được rằng trai là “loài ăn lọc” (một con trai trưởng thành có thể lọc tới 15 gallon nước mỗi ngày), Giáo sư Pennie Lindeque nghĩ rằng Phòng thí nghiệm biển Plymouth có thể tìm đến tự nhiên để giải quyết vấn đề ô nhiễm vi nhựa này.

Những con trai hiện đang lọc nước ở bến du thuyền Plymouth là một phần của các thử nghiệm thực địa. Lindeque và nhóm của cô đã hoàn thành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trong đó 5 kg trai (khoảng 300 con trai) được đặt trong một bể chứa mô phỏng dòng chảy, cùng với thực vật phù du làm thực phẩm và vi nhựa. Trong thí nghiệm đó, những con trai đã lọc ra hơn 250.000 hạt vi nhựa mỗi giờ. Ngoài ra, mô hình máy tính tại phòng thí nghiệm còn cho thấy trai có thể lọc tới 25% vi nhựa trong nước.

Những hạt vi nhựa đó cuối cùng được bao bọc trong phân của trai và chìm xuống nước một cách tự nhiên. Các nhà nghiên cứu đã thu thập tất cả phân và xử lý nó. Trong các thử nghiệm thực địa, nhóm nghiên cứu sử dụng lưới với các ngăn chứa bên dưới để hứng tất cả chất thải đó, sao cho các mảnh nhựa và chất thải không chìm xuống đáy đại dương. Nghiên cứu này đã nhận được tài trợ từ quỹ tài trợ Waitrose Plan Plastic, quỹ này sử dụng số tiền thu được từ việc bán túi xách bằng nhựa trong các cửa hàng tạp hóa Waitrose cho các giải pháp cắt giảm ô nhiễm nhựa ở Anh.

Ảnh: PML

Vì khả năng lọc đặc biệt của chúng, trai được sử dụng để làm sạch nước ô nhiễm và để xử lý các kim loại nặng. Tuy nhiên, theo Giáo sư Pennie Lindeque, sử dụng chúng để làm sạch vi nhựa là việc đầu tiên. Trong quá trình nghiên cứu tiếp tục, cô ấy sẽ tập trung vào việc sử dụng trai ở nơi vi nhựa xâm nhập vào nước, chẳng hạn như gần cống thoát nước mưa hoặc ở cuối đường ống của nhà máy xử lý nước hoặc trong bến du thuyền và bến cảng.

Giáo sư Pennie Lindeque cho hay, tất cả những điều này xảy ra mà không gây hại cho trai. Các mảnh nhựa nhỏ hơn được gọi là hạt nano có thể trượt qua màng và đi vào mô của con tra, nhưng các hạt vi nhựa thì quá lớn. Trong khi một số nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với vi nhựa có thể gây hại cho trai, chủ yếu là đối với khả năng tạo ra các sợi tơ chân được trai sử dụng để gắn vào đá, nhưng những thí nghiệm đó được thực hiện ở nồng độ vi nhựa cao hơn nhiều so với trong môi trường tự nhiên .

Bằng cách theo dõi và thu thập phân chứa đầy nhựa của loài trai, quy trình này có thể được sử dụng để giúp làm sạch đại dương. Theo Giáo sư Pennie Lindeque, đó không phải là một giải pháp hoàn chỉnh — trai không thể tiếp cận tất cả vi nhựa và chúng ta vẫn cần nỗ lực hướng tới việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và hướng tới một nền kinh tế vòng tròn, nhưng nó giải pháp này có thể tạo ra sự khác biệt. “Vì đây là một giải pháp dựa trên tự nhiên, bằng cách đưa những con trai trở lại tự nhiên, chúng ta đang giúp tăng đa dạng sinh học và tái tạo lại những gì đã có ở đó”, cô nói.

Theo Fast Comapany