Lối đi của những con thiên nga

Paris mùa đông nhìn từ cầu Mirabeau. Ảnh: Hải Lý

Thế rồi ngày 16-11, đúng cái ngày tôi rời Canada trở lại châu Âu, mới 6giờ sáng, nhìn qua cửa sổ không tin nổi mắt mình. Tuyết bay tứ tung, thốc lên theo từng cơn gió, trắng xóa bầu trời, mặt đất, đọng trên những cành cây khẳng khiu.

Paris khi ấy còn ấm với nhiệt độ tầm 10 độ C. Người dân kinh thành ánh sáng vẫn tiếp tục các cuộc đi bộ trong những khu rừng rộng vài chục héc ta dễ lạc lối như Boulogne hay Vincennes.

Bây giờ mùa đông đã phủ đôi cánh rộng dài trên cả châu Âu. Nhiệt độ chưa rơi xuống âm nhưng buốt giá và hệ thống lò sưởi mang tính tập thể trong các khu nhà đã nóng hơn.

Từ hai năm nay, năm nào Chính phủ Pháp cũng tài trợ 200-250 euro tiền năng lượng cho mỗi hộ gia đình. Đó là con số không nhỏ đối với ngân sách nhưng chẳng bõ bèn gì so với mức tăng phi mã của lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng ở châu Âu và Anh đã tăng xấp xỉ 11% từ đầu năm cho đến tháng 10 và giảm về 10% trong tháng 11-2022, tuy nhiên giá lương thực, thực phẩm tăng hầu hết 40-50%. Đi siêu thị mua đồ ăn là biết liền. Lạ là người ta đã quen với mặt bằng giá cả mới, không ai phàn nàn. Marc, một người quen, nói đại khái giá tăng thì tăng rồi, trở thành chuyện thường ngày ở huyện, đành chấp nhận.

Nếu muốn biết kinh tế đang thăng trầm đến mức nào, quan sát một vài lĩnh vực là hiểu hết. Tốc độ tiêu dùng đang chậm lại. Ngay cả trong ba ngày “đại hạ giá” Black Friday cuối tháng 11, nhiều trung tâm thương mại ế ẩm. Người tiêu dùng đi chơi, ngó nghiêng, xem xét giá cả hàng hóa nhiều, nhưng mua thật sự không được bao nhiêu.

Bích Liên, cô sinh viên mới tốt nghiệp, đang tìm kiếm việc làm, đi outlet cả ngày thứ Bảy trong ba ngày giảm giá, mà chỉ mua mỗi cái áo len của một thương hiệu khá nổi tiếng giảm giá từ 233 euro xuống 60 euro.

Tuyết đầu mùa đông Montreal. Ảnh: Hải Lý

Duy chỉ các nhà hàng, quán cà phê bắt đầu chứng kiến sự hồi sinh. Kể từ mùa hè các nhà hàng đã đông khách trở lại và khi đất trời chuyển sang đông, lượng khách suy giảm không đáng kể.

Philippe, nhân viên phục vụ lâu năm trong một nhà hàng ở gần chân cầu Alma bên tả ngạn sông Seine, cho biết anh ngạc nhiên vì có tối vất vả không thở ra hơi. Một số nhà hàng có tiếng phải đặt chỗ, nếu không thì đừng hy vọng được xếp bàn. Philippe không kêu ca, ngược lại anh khá vui vẻ. “Dịch vụ ăn uống, khách sạn mà sống được, thì không chỉ chúng tôi, mà các ngành nghề khác cũng có hy vọng hồi sinh thật sự” – anh nói.

Anh hơi nhăn trán một chút khi đề cập đến số tiền bình quân của các hóa đơn thanh toán. Hầu hết khách hàng chỉ gọi một, hai món ăn. Hoặc một món ăn chính kèm đồ uống. Ít khách gọi đủ ba món, kể cả tráng miệng. Hóa đơn bình quân 50-60 euro/hai người. Những quán ăn bình dân, kiểu như quán Ramen nổi tiếng ở quận 6 mà Bích Liên phải đặt chỗ trước, khoảng 15 euro/người.

Dân và khách du lịch ở Paris có đủ loại, tương tự là các nhà hàng. Nhiều nhà hàng giá một bữa tối cả ngàn euro cho một thực khách là bình thường. Ở xung quanh khu Montparnasse, nơi đêm đêm ánh đèn rực rỡ với cả chục rạp chiếu bóng, nhà hàng, giá cả ở đây không dưới 50 euro cho một người ăn có phần đạm bạc.

Những nhà hàng hải sản thường đông khách Trung Đông và một phần châu Á. Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách zero Covid, song khách du lịch nói tiếng Hoa đang đã dần ở Paris. Các tàu Bateaux Mousses chạy trên sông Seine đã bắt đầu có khách. Cuối tuần, một số tàu được các đoàn du lịch đặt chỗ, chật cứng người.

L’Alleé des Cignes mùa Xuân. Ảnh: Hải Lý

Williams, một thủy thủ trạc sáu mươi tuổi người Hà Lan, “lạc lối” ở Paris như ông nói, sống hơn mười lăm năm trên một con thuyền neo đậu trên sông Seine. Ông có một chị đầu bếp người Pháp và cứ thế, họ rong ruổi trên các triền sông khắp nước Pháp và châu Âu. Chán chê, họ quay lại Paris. Tháng trước Williams quyết định bán con tàu cũ và đang tìm mua một tàu mới, to hơn, rộng hơn.

Tôi hỏi liệu ông có ý định trở về “vùng đất thấp” Hà Lan, ông cười, đáp thỉnh thoảng ông vẫn về đó, chỉ là không ở lâu dài. Tôi chỉ cho ông Việt Nam trên bản đồ thế giới. Bữa sau gặp lại, ông hớn hở Việt Nam có hệ thống sông ngòi tương đối phát triển, có thể đi dọc từ Bắc vào Nam và sang tận Cambodge. Và thêm, đại ý, Việt Nam có nhiều cảng, nhưng còn ít bến cho tàu bè dạng nhỏ neo đậu.

Công bằng mà nói, mùa đông ở Paris và châu Âu có phần nhạt, khô, bất chấp những con chim mòng biển màu trắng vẫn hàng ngày bay lượn xung quanh tượng đài nữ thần Tự Do dưới chân cầu Grenelle. Đây là nguyên bản thu nhỏ đầu tiên của tượng đài nữ thần Tự Do tại New York.

Từ tượng đài nữ thần Tự Do đến chân cầu Bir-Hakeim có một con đường nhỏ chia cắt đều hai bên bờ sông Seine, mang cái tên mỹ miều L’alleé des Cignes (Lối đi của những con thiên nga) được mở từ năm 1825. Mùa xuân, đi dạo hay ngồi dưới gốc cây, tán lá của bất kỳ vị trí nào trên con đường này đều thấy dễ chịu và đẹp đến nao lòng.

Mùa đông, nó giống như bỗng nhiên bị “lột truồng”, trơ trọi với cây cối đầy cành không lá chĩa lên trời. Có lẽ nhiều người nhìn thấy cảnh ấy đều tự hỏi về sự quay vần của vũ trụ và vẻ đẹp trẻ trung hay già nua, cằn cỗi của thiên nhiên.

Williams hỏi tôi liệu đã bao giờ nhìn thấy nước sông Seine dâng tràn lên cả hai bên đường, khiến xe cộ không dám đi ngang qua. Thú thật tôi chưa bao giờ chứng kiến tận mắt nhưng cảnh tượng ấy hình như vẫn lưu lại trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội.

Từ mùa hè đến giờ, nước sông Seine không lớn. Nhìn qua cửa sổ ban công, tôi không còn thấy những con tàu lớn, trong đó có một con tàu Vikings, đã rời đi tự hôm nao hôm nào. Chỉ có quả khinh khí cầu khổng lồ và duy nhất bên kia sông, giữa công viên André Citroen lúc nào cũng treo lơ lửng bất chấp trời mưa, nắng hay mây mù, bão tuyết.

Denis sinh ra và lớn lên ở Paris. Bố mẹ anh là người Paris chính gốc. Anh nói Paris chảy trong huyết quản anh, nhưng cái thành phố này đang biến chuyển theo góc độ mà anh không hiểu được. Đúng hơn là không cảm nhận được. Người Paris dạt đi, người các vùng miền, kể cả trên thế giới, đổ về. Tất cả pha trộn, đến nỗi ngay cả giọng Paris cũng khó phân biệt. Paris giờ có hơn 2,2 triệu dân, nhỏ hơn Rome, Berlin và nhiều thủ đô châu Âu khác.

Cho dẫu thế, anh vẫn yêu thành phố này với tình cảm không che giấu đầy khắc khoải hạnh phúc xen lẫn trầm lắng, âu lo. Bạn bè anh, hầu hết sống một mình. Vì sao tỷ lệ ly hôn ở Paris cao đáng ngạc nhiên đến vậy? Anh trả lời không biết.

Ở Paris, làm sao người ta có thể chỉ yêu mãi mãi một người? – anh hỏi thay cho lời đáp. Ở Paris, người ta đến rồi đi, rồi trở về, ở lại, rồi lại đi tiếp, tìm kiếm những không gian bất định để một ngày mỏi mệt, không thể hay không muốn lê bước trên những nẻo đường nữa, thì quay lại vĩnh viễn. Thứ tình yêu bất định ấy do Paris tạo nên và nó mãi mãi thuộc về thành phố này.

Hải Lý