Môi trường - trọng tâm mới trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ

Thích ứng với thế giới biến động

Môi trường quốc tế hiện nay được đặc trưng bởi những phân tán chính trị và kinh tế ngày càng tăng, đòi hỏi phải có lập trường chủ động trong việc bảo đảm sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Thụy Sĩ nhận thấy mình ở vị trí đặc biệt khi phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi căn bản bối cảnh an ninh của châu Âu. Để đối phó, Thụy Sĩ đặt mục tiêu tăng cường đóng góp cho an ninh châu Âu và coi sự phục hồi của Ukraine là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược. Ngoài ra, giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ của Thụy Sĩ với Liên minh châu Âu (EU) cũng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nguồn: ITN

Chính vì thế, Chiến lược Chính sách đối ngoại mới cho giai đoạn 2024 - 2027 của Thụy Sĩ tập trung hợp tác với châu Âu và các đối tác thân thiết khác, thúc đẩy dân chủ và chống biến đổi khí hậu. Chiến lược cũng kêu gọi tăng cường đóng góp cho an ninh châu Âu và tái thiết Ukraine, cùng với các sáng kiến mới về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, ô nhiễm và năng lượng bền vững. Hội đồng Liên bang cũng nhấn mạnh, tính trung lập không có nghĩa là thờ ơ và Thụy Sĩ ủng hộ chính sách an ninh và đối ngoại hợp tác cũng như đoàn kết với các đối tác trong giới hạn của tính trung lập...

Ngoài tăng cường hợp tác với châu Âu, chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ sẽ vẫn mang tính định hướng toàn cầu. Xu hướng hiện nay là một trật tự toàn cầu ít lấy phương Tây làm trung tâm hơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có mối quan hệ mang tính xây dựng với tất cả các khu vực trên thế giới. Các nước G20 sẽ đóng vai trò then chốt ở đây. Do đó, Thụy Sĩ tìm cách tạo điều kiện cho sự hiểu biết toàn cầu, đồng thời tìm cách đóng góp cho chủ nghĩa đa phương hiệu quả và tập trung. Vì vậy, định vị Geneva như một bên tham gia định hướng tương lai là một phần không thể thiếu trong quá trình này.

Bốn ưu tiên và vai trò của tính trung lập

Dự thảo Chiến lược của Hội đồng Liên bang đặt ra bốn ưu tiên theo chủ đề sẽ định hướng các nỗ lực chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ trong những năm tới:

Trước hết là hòa bình và an ninh. Trong lĩnh vực ưu tiên này, Thụy Sĩ đặt mục tiêu điều chỉnh các cơ quan lớn của mình cho phù hợp với môi trường quốc tế đang phát triển. Điều đó bao gồm việc triển khai các công cụ như ngoại giao khoa học để góp phần giải quyết xung đột và an ninh toàn cầu.

Chủ đề tiếp theo liên quan đến thịnh vượng và cạnh tranh. Thụy Sĩ tìm cách tối ưu hóa các điều kiện khung, tăng cường khả năng phục hồi, đa dạng hóa nền kinh tế và đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời tích cực tham gia vào cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.

Ưu tiên tiếp theo là thúc đẩy dân chủ. Thụy Sĩ đang mở rộng vai trò là nước thúc đẩy hòa bình, luật pháp quốc tế, nhân quyền và quản trị tốt. Điều này mở rộng sang không gian kỹ thuật số, nơi đất nước đặt mục tiêu duy trì các nguyên tắc dân chủ.

Và đặc biệt nhất là ưu tiên về môi trường. Nhận thức được tính cấp bách của các thách thức môi trường, chiến lược mới đặt trọng tâm mới vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát ô nhiễm, đồng thời thúc đẩy cung cấp năng lượng bền vững.

Thụy Sĩ đã đặt ra các mục tiêu khí hậu rõ ràng và đầy tham vọng, nhằm giảm ít nhất 50% lượng phát thải khí nhà kính vào cuối thập kỷ này và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để biến những mục tiêu trên thành hiện thực, Nước này soạn thảo luật mới và sửa đổi luật hiện hành để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như các tòa nhà và giao thông vận tải, phải đối mặt với nhiều thách thức khi không đạt được mục tiêu giảm phát thải vào năm 2020.

Ngoài những ưu tiên kể trên, chính sách trung lập lâu dài của Thụy Sĩ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề đối ngoại của nước này. Tuy nhiên, chiến lược mới nhấn mạnh tính trung lập không đồng nghĩa với sự thờ ơ. Thay vào đó, nó mang lại cho Thụy Sĩ sự linh hoạt để tham gia vào các chính sách an ninh và đối ngoại hợp tác, đồng thời thể hiện tình đoàn kết với các đối tác của mình, tất cả đều nằm trong giới hạn của luật trung lập quốc tế.

Dự thảo Chiến lược Chính sách đối ngoại 2024 - 2027 là kết quả của một quá trình tỉ mỉ và liên ngành được thiết kế nhằm cung cấp cho Thụy Sĩ một khuôn khổ chính sách đối ngoại rõ ràng và mạch lạc. Dự thảo hiện tại sẽ được tham vấn với các bang và ủy ban đối ngoại của Hội đồng Quốc gia và Hội đồng các bang trong những tuần tới. Sau giai đoạn tham vấn này, Hội đồng Liên bang dự kiến sẽ thông qua phiên bản cuối cùng của chiến lược vào đầu năm 2024.

Văn bản chiến lược của Thụy Sĩ phản ánh cam kết của quốc gia trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu. Nó thể hiện mong muốn của nước này trong việc đóng vai trò mang tính xây dựng và chủ động trong việc định hình quan hệ quốc tế trong những năm tới.

Ngọc Minh