Mốt 'không mặc quần' gây tranh luận ở Hàn Quốc

Một trong những ca sĩ đi đầu trong xu hướng nóng bỏng nhưng gây tranh cãi này là Huh Yun-jin, thành viên nhóm nhạc nữ LE SSERAFIM. Nữ idol 22 tuổi gây chú ý sau khi chỉ mặc quần lót màu xám và quần bó màu đen dưới áo khoác phồng màu hồng trong đoạn giới thiệu cho EP sắp ra mắt của nhóm, Easy.

Nhóm nhạc Kpop (G)I-DLE cũng tạo tranh luận vì học theo xu hướng này, với cả 4 thành viên đều chỉ mặc bodysuits trong MV mới phát hành, Super Lady. Tương tự, SISTAR19 và của BlackPink cũng lăng xê mốt thời trang không quần đang thịnh hành trên toàn cầu kể từ năm ngoái.

Tại Mỹ, hàng loạt ngôi sao nổi tiếng trong đó có Taylor Swift và Jenner được biết đến là những người tiên phong trong xu hướng này.

Tuy nhiên, "no-pants" đặc biệt gây tranh cãi trong thế giới Kpop, nơi phần lớn người hâm mộ là thanh thiếu niên.

Tranh cãi

Một số người lo ngại về khả năng người hâm mộ trẻ tuổi bắt chước những phong cách này một cách mù quáng. Một số nhà phê bình lại cho rằng xu hướng này thể hiện sự thương mại hóa tình dục giả dạng sự đổi mới thời trang.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu giới trẻ chạy theo xu hướng này để bắt chước các idol Kpop?", một người dùng mạng bình luận.

Huh Yun-jin (LE SSERAFIM) diện mốt không quần. Ảnh: All Kpop.

Một người khác viết: "Đối với tôi, nó giống như hành vi phô bày nhằm tìm kiếm sự chú ý của mọi người".

Kim Hyo-jung, giảng viên tại Khoa Công nghiệp Thời trang của Đại học Ewha, tin rằng những phản ứng tiêu cực cho rằng phong cách không mặc quần là "quá táo bạo" là có thể hiểu được.

Cô nói: "Nó khá hở hang và không nhiều người có thể tạo ra vẻ ngoài táo bạo như vậy. Nhưng từ quan điểm triết học hoặc văn hóa, thời trang là công cụ phản ánh bản thân giúp mọi người thể hiện cá tính và ý tưởng của mình một cách công khai. Kiểu dáng không quần là biểu tượng của sự tự tin và trao quyền cho phụ nữ".

Kim lưu ý rằng xu hướng không mặc quần trong thời trang hiện đại chia sẻ tinh thần tự do với váy ngắn của những năm 1960, mỗi món đồ đều tượng trưng cho những thay đổi văn hóa quan trọng trong thời đại tương ứng của chúng.

"Thời kỳ đàn áp cực độ quyền phụ nữ đã qua, vì vậy tôi có thể nói rằng trang phục không quần có liên quan nhiều đến sự tự tin hơn là sự giải phóng. Nó truyền tải thông điệp rằng phụ nữ ngày nay tự tin và được trao quyền mặc trang phục gợi nhớ đến đồ lót mà không sợ bị xã hội phán xét", Kim giải thích.

Lịch sử

Lịch sử của phong cách không quần có thể bắt nguồn từ những năm 1950 khi các vũ công mặc trang phục khiêu vũ bó sát như leotard để làm nổi bật vóc dáng và đường cong cơ thể. Khoảng 30 năm sau, kiểu dáng aerobic trở nên phổ biến do cơn sốt tập thể dục nhịp điệu, dẫn đến sự phổ biến của quần legging.

Phong cách này đã phát triển qua nhiều năm và xuất hiện trở lại trong các bộ sưu tập của các hãng thời trang vào năm 2023, đồng thời đã mở rộng ra ngoài sàn diễn, khiến nó hiện diện trên thảm đỏ cũng như đường phố.

"Có vẻ như xu hướng không mặc quần có mối liên hệ với trang phục khiêu vũ và trang phục thể dục nhịp điệu từng phổ biến cách đây vài thập kỷ", Kim nói.

Sao nước ngoài hưởng ứng mốt "no-pants". Ảnh: Glamour.

Khi kiểu dáng quần thể thao thoải mái trở nên phổ biến trước và trong đại dịch Covid-19, một số người trong ngành đã suy đoán rằng chúng ta có thể sớm chứng kiến sự hồi sinh của những trang phục bó sát hơn như quần jeans skinny. Tuy nhiên, có vẻ như kiểu dáng không quần đã chiếm lĩnh thị trường.

Mặc dù xu hướng "no-pants" có thể sẽ tiếp tục, Kim tin rằng phải mất một thời gian nữa để phong cách này được chấp nhận rộng rãi và hòa nhập vào thời trang phổ thông.

"Tính đến thời điểm hiện tại, đó là phong cách thời trang dành cho số ít. Nếu nó phát triển thành một phong cách dễ tiếp cận hơn - giống như cách áo ngực được tích hợp vào trang phục thể thao để đạt được vẻ ngoài thể thao - nó sẽ có thể thu hút nhiều người hơn", Kim nhận định.

Lê Vy