Mỹ có sẵn sàng đụng độ Nga vì Ukraine?

Bài học từ nhữgg lời hứa...

Hồi tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng trên trang Twitter rằng “Chính phủ Ukraine đã phê duyệt Chiến lược giải phóng và tái hòa nhập Crimea, một tài liệu lịch sử cần thiết kể từ năm 2014. Tín hiệu rất rõ ràng: chúng tôi không chỉ kêu gọi thế giới giúp lấy lại Crimea, mà Ukraine cũng đang triển khai những nỗ lực riêng và có hệ thống”.

Tờ Thời báo châu Á cho rằng Nga chỉ nghiêm túc bắt đầu củng cố năng lực của quân đội sau khi Chính phủ Ukraine chính thức tuyên bố ý định giành lại Crimea bằng mọi giá. Tờ báo này đánh giá: “Bất chấp mọi khái niệm về sức mạnh quân sự của Ukraine mà các nhà lãnh đạo ở Kiev có thể nuôi dưỡng, nếu không có sự hỗ trợ đáng kể của phương Tây, quân đội Ukraine sẽ bị lực lượng quân sự hùng hậu của Nga đè bẹp ngay bên ngoài biên giới đang tranh chấp ở Đông Ukraine”.

Vũ khí hạng nặng của quân đội Ukraine ở khu vực miền Đông

Bên cạnh đó, Thời báo châu Á nhận định, khó có khả năng phương Tây gây chiến với Nga vì Ukraine. Ukraine không phải là thành viên NATO. Chưa kể các thành viên châu Âu trong NATO thiếu sự đồng thuận về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ Nga. Không có sự đồng thuận, bất kỳ nỗ lực triển khai lực lượng quân sự nào vì Ukraine sẽ thất bại và sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của NATO.

Bên cạnh đó, tờ báo cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tỏ thái độ “ngạo mạn” với Nga. Tình hình hiện nay được cho là tương tự “mô hình” từng dẫn đến chiến thắng của Nga trong cuộc chiến Gruzia vào năm 2008. “Mô hình” từng lặp lại hồi năm 2014, trong các cuộc biểu tình Euromaidan ở Ukraine.

Tờ Thời báo châu Á cho rằng, trong mỗi trường hợp, Washington đều khuyến khích các nước “yếu ớt” dọc theo biên giới của Nga mạnh dạn hành động chống lại Nga, trong khi phương Tây chưa bao giờ có ý định can thiệp quân sự thay chống lại “chú gấu Nga đang giận dữ”.

Nhân đây, Thời báo châu Á rút ra một “bài học” về chiến lược lát cắt salami của Nga khi không cần phải kiểm soát toàn bộ Gruzia vào năm 2008 hay Ukraine. Nhìn lại những sự kiện vào năm 2008 và 2014, những cam kết bảo lãnh của Mỹ dường như không có giá trị nhiều.

Binh sĩ Mỹ "làm mẫu" cho binh sĩ Ukraine trong một đợt huấn luyện

Theo tờ báo, nếu chiến tranh với Nga nổ ra, Mỹ không chắc sẽ giành chiến thắng. Điều này đặc biệt đúng khi trong mọi cuộc chiến mô phỏng mà quân đội Mỹ tham gia theo cùng một kịch bản này, Mỹ đều bị Nga đánh bại.

Hiện tại, Nga đang thách thức Mỹ một cách hiệu quả ở Bắc Cực. Các lực lượng Nga đang tiến xuống Trung Đông và châu Phi. Bên cạnh đó, tờ Thời báo châu Á cũng ám chỉ tới khả năng tác chiến mạng của Nga.

Tất cả những gì Washington đã làm chỉ là các động thái ngoại giao cứng rắn và khuyến khích các đồng minh hành động. Bản thân Mỹ được cho là “làm rất ít để răn đe Nga”.

Cách Mỹ làm nóng tình hình

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Biden đang khiến giới phân tích “hoang mang” khi vừa phát đi tín hiệu hòa dịu với người đồng cấp Nga Putin, vừa tỏ ra cứng rắn hơn người tiền nhiệm Donald Trump. Ngay sau khi điện đàm và đề nghị ông Putin gặp cấp cao ở một nước thứ ba, ông Biden đã cho áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tổ chức, cá nhân và lĩnh vực tài chính của Nga. Đây được coi là những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của Washington đối với Moscow kể từ năm 2018, sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh.

Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý, các biện pháp trừng phạt của Mỹ không phải để đáp trả việc Nga triển khai quân ở biên giới với Ukraine, mà đáp trả những hành động can thiệp của Nga vào Mỹ mà lâu nay Washington vẫn cáo buộc. Mỹ cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công tập đoàn phần mềm Solarwind của Mỹ, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính phủ và các doanh nghiệp nước này.

Phương Tây thông tin rầm rộ về đợt chuyển quân lớn của Nga ở biên giới

Washington cũng nhiều lần cáo buộc Moscow đã can thiệp vào các chiến dịch bầu cử của Mỹ. Để đáp trả những hành động này của Nga, giờ đây tổng thống Mỹ đang áp đặt trừng phạt với mức độ cứng rắn hơn nhiều, nhắm tới 32 tổ chức và cá nhân Nga, trong đó 10 nhà ngoại giao Nga tại Washington bị trục xuất ngay lập tức.

Biện pháp “gay gắt nhất” là việc Washington cấm các nhà đầu tư Mỹ mua và giao dịch trái phiếu chính phủ Nga. Từ trước tới nay, các nhà đầu tư phương Tây thường rất quan tâm đến trái phiếu Nga vì mức lãi suất tương đối cao và rủi ro vỡ nợ thấp.

Theo giới phân tích, bằng việc sẵn sàng trừng phạt vừa đề nghị gặp mặt, ông Biden đang có cách tiếp cận khác trong mối quan hệ với Nga. Vị tân Tổng thống Mỹ vừa không "khởi động lại" mối quan hệ như cách thức mà những người tiền nhiệm Barack Obama, Donald Trump hay George W. Bush cố gắng thực hiện, đồng thời cũng không hướng tới một cuộc xung đột với Nga. Cố vấn An ninh quốc gia của ông Biden, ông Jake Sullivan, đã nói rằng Washington muốn có "những mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước", bao gồm cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt như đã công bố.

Mặc dù ít có khả năng tham chiến vì Ukraine, song Mỹ cùng các đồng minh cũng rất biết “đổ thêm dầu vào lửa”. Khi trao đổi với Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã bày tỏ quan tâm đến hoạt động quân sự của Nga ở khu vực gần Ukraine và cho biết NATO sẽ ủng hộ kiên định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trong khi đó, Mỹ liên tục khẳng định lại sự ủng hộ đối với Kiev, đồng thời cảnh cáo Moscow.

Tổng thống Ukraine V. Zelensky trực tiếp đến thăm binh sĩ quân đội Ukraine ở khu vực miền Đông

Khi điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Taran, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington chỉ trích “hành động xâm lược và leo thang khiêu khích” của Nga ở phía Đông Ukraine. Sau đó, ông Austin còn viết trên Twitter rằng Mỹ ủng hộ kiên định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu và NATO của Ukraine.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Mỹ đã viện trợ hơn 100 triệu USD và tiến hành tập trận chung với Ukraine. Cùng với tiền và lời hứa của Mỹ, việc Anh cũng tham gia hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Ukraine được cho là góp phần làm “trỗi dậy” quyết tâm thu hồi Donbass của Kiev.

Cuối tháng 2/2021, Ukraine đột ngột gia tăng lực lượng quân sự ở khu vực Donbass, trực tiếp triển khai 100.000 binh sĩ với 8 lữ đoàn đến tiền đồn Donbass, đồng thời còn điều động hàng nghìn xe tăng và xe tác chiến, triển khai thế trận được cho là sẵn sàng tấn công.

Giữa lúc đó, Mỹ cho triển khai tàu sân bay USS Dwight David Eisenhower đến gần Hy Lạp, sẵn sàng tiến vào Biển Đen và triển khai hàng chục máy bay trực thăng Apache ở căn cứ quân sự của Mỹ tại Saudi Arabia. Anh cũng điều động tàu chiến, tập trận ở biển Baltic, và tàu khu trục của Tây Ban Nha cũng tiến vào Biển Đen.

Thành Minh