Mỹ lên kế hoạch gửi gói viện trợ vũ khí trị giá 300 triệu USD tới Ukraine

Ảnh: REUTERS/Oleksandr Ratushniak/Ảnh tài liệu.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, khoản kinh phí này tới từ khoản tiết kiệm chi phí ngoài dự đoán trong các hợp đồng của Lầu Năm Góc và sẽ được sử dụng để viện trợ đạn pháo, đạn dược cho hệ thống HIMARS.

Chia sẻ với báo chí, ông Sullivan cho biết, khoản viện trợ này có thể chỉ giúp cho trong vài tuần: “Lượng đạn dược này sẽ giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu trong thời gian ngắn và chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi”.

“Lượng đạn dược này là hoàn toàn không đủ để thỏa mãn nhu cầu của Ukraine và chúng sẽ không ngăn được việc Ukraine sẽ có thể khánh kiệt đạn dược”.

Gói viện trợ vũ khí lần này được Reuters đăng tải lần đầu tiên vào hôm thứ Ba.

Thư ký Báo chí của Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder cho biết, gói viện trợ này bao gồm nhiều tên lửa phòng không và đạn pháo. Ông cũng tiết lộ, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua các khoản tiết kiệm từ hợp đồng của Lầu Năm Góc rất có thể sẽ chỉ là giải pháp một lần và không phải là phương án bền vững trong việc viện trợ cho Ukraine.

Lần gần đây nhất, tháng 12 năm 2023, viện trợ quân sự của Mỹ tới Ukraine ở mức thấp nhất, sau khi kinh phí bổ sung kho vũ khí cạn kiệt.

Quan chức Mỹ cũng đã cân nhắc lựa chọn tịch thu tài sản gốc trị giá 285 tỷ USD bị đóng băng trong năm 2022 và sử dụng khoản tiền này để mua vũ khí viện trợ cho Ukraine.

Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng vào thứ Ba nhằm thảo luận về các biện pháp đẩy mạnh ủng hộ cho Ukraine.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trước phóng viên cho biết: “Hỗ trợ tài chính cho Ukraine là lựa chọn rẻ mạt khi so với những phương án hỗ trợ khác”.

Việc sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm được để bổ sung lượng vũ khí tồn kho mở ra một khoảng thời gian ngắn cho phép cung cấp thêm viện trợ tới Ukraine từ lượng vũ khí đang có sẵn trong khi chính quyền Tổng thống Biden chờ đợi những khoản kinh phí bổ sung được thông qua.

Tổng thống Biden, một thành viên đảng Dân Chủ, ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt vào năm 2022. Tuy nhiên, đối thủ đảng Cộng Hòa của ông trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tới, cựu Tổng thống Donald Trump, nắm giữ lập trường theo hướng chủ nghĩa biệt lập hơn.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Johnson thành viên đảng Cộng Hòa, trong thời gian qua đã từ chối kêu gọi bỏ phiếu về một dự thảo có nội dung đề ra khoản viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine.

Dự thảo này đã được thông qua tại Thượng viện Mỹ nơi đảng Dân Chủ chiếm đa số, và thành viên cả hai đảng tại Hạ viện đều khẳng định dự thảo này sẽ được thông qua nếu lãnh đạo từ đảng Cộng Hòa của cơ quan này đề ra một cuộc bỏ phiếu.

Lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ trong thứ Ba đã hối thúc thành viên Hạ viện Mỹ thông qua quyết định cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, khẳng định điều này sẽ không chỉ củng cố khả năng Kyiv có thể chiến đấu chống lại Nga mà sẽ còn ngăn ngừa hành vi thách thức của Trung Quốc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày thứ Hai cho biết, tình hình chiến sự trên tiền tuyến cuộc chiến giữa quốc gia này và Nga đang ở trạng thái tích cực nhất trong ba tháng qua, binh lính của Moscow đã ngừng tiến quân sau khi chiếm được Avdiivka trong tháng vừa rồi.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh BFM của Pháp, ông Zelensky cho biết, Ukraine đã cải thiện được vị thế chiến lược của mình mặc cho việc thiếu thốn vũ khí. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tình hình có thể thay đổi nếu như không có thêm viện trợ.

Trước đó, ông cho biết Nga đang chuẩn bị đề ra một chiến dịch tấn công Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 5 hoặc đầu mùa hè. Ông Zelensky cho biết thêm, 31.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng kể từ tháng 2 năm 2022 tới nay.

Việc Nga chiếm được Avdiivka cho phép lực lượng của Kremlin có phần nào lợi thế trong nỗ lực phòng thủ trung tâm vùng Donetsk do Nga kiểm soát cách Avdiivka 20 km về phía Đông.

Trong đầu tháng này, một chỉ huy quân sự cấp cao cho biết, binh lính Ukraine bị buộc phải rời khỏi nhiều khu định cư quanh Avdiivka do Nga tiếp tục tấn công trong khi lực lượng này cạn kiệt đạn dược.

Ngày thứ Ba, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết, quốc gia này sẽ cung cấp một gói viện trợ cho Ukraine trị giá 2,3 tỷ krone (tương đương 336,6 triệu USD) gồm hệ thống pháo Caesar và đạn dược.

Các nước Liên minh châu Âu cũng đang có kế hoạch thỏa thuận bổ sung 5 tỷ euro (5,46 tỷ USD) vào nguồn kinh phí đầu tư viện trợ quân sự cho Ukraine, theo Financial Times trích lời bốn quan chức có thông tin liên quan trong ngày thứ Ba.

Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)