Mỹ sẽ chờ đến cuối năm rút quân khỏi Iraq?

Ngày 26/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng. Tại đây, Tổng thống Mỹ đã thông báo về kế hoạch kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở nước này vào cuối năm nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 26/7. Ảnh: Reuters

"Vai trò của chúng tôi ở Iraq sẽ là... tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ và đối phó IS nếu chúng trỗi dậy, nhưng đến cuối năm chúng tôi sẽ không tham gia nhiệm vụ chiến đấu" - ông Biden phát biểu.

Tổng thống Mỹ đồng thời nhấn mạnh, hợp tác chống khủng bố của hai nước sẽ tiếp tục ngay cả khi chuyển sang giai đoạn mới.

Trước chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Al-Kadhimi nói với hãng tin AP rằng không cần bất kỳ lực lượng tác chiến nước ngoài nào ở lại Iraq.

“Những gì chúng tôi muốn từ sự hiện diện của Mỹ ở Iraq là hỗ trợ các lực lượng của chúng tôi đào tạo-phát triển hiệu quả và năng lực của họ cũng như trong hợp tác an ninh" - ông Al-Kadhimi nói.

Hiện có khoảng 2.500 lính Mỹ ở Iraq. Thư ký Báo chí Nhà Trắng hôm 26/7 từ chối cung cấp số lượng binh sĩ ở lại Iraq vào cuối năm nay.

Truyền thông Mỹ cho biết động thái này có thể không dẫn đến việc giảm đáng kể sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq, vì hầu hết lính Mỹ ở nước này đã và đang đảm nhận vai trò huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Iraq.

Tuy nhiên, giới quan sát lại lưu ý đến cuộc bầu cử vào tháng 10 tới ở Iraq có thể ảnh hưởng đến quyết định rút quân Mỹ "vào cuối năm".

Giới lãnh đạo Iraq phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các phe phái Shia theo đường lối cứng rắn - những người yêu cầu tất cả quân đội Mỹ rời khỏi đất nước. Sự thay đổi nhiệm vụ này của quân đội Mỹ có thể được coi là một lợi ích chính trị cho Thủ tướng al-Kadhimi trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10.

Quân đội Mỹ đã rút khỏi Iraq vào năm 2011 và đã trở lại nước này vào năm 2014 để hỗ trợ các lực lượng Iraq trong cuộc chiến chống lại các tay súng IS.

Sau cái chết của tướng hàng đầu Iran Qassem Soleimani và thủ lĩnh dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis trong một cuộc không kích của Mỹ vào sân bay Baghdad hồi tháng 1/2020, Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Iraq.

Từ đó đến nay, Washington đã ở trong trạng thái liên tục giảm dần các hoạt động quân sự ở nước này.

Cùng với hoạt động ở Trung Đông, quân đội Mỹ cũng đã khiến đồng minh "hốt hoảng" khi nhanh chóng rút khỏi Afghanistan trong đêm và trước thời hạn mà ông Biden tuyên bố trước 5 tháng. Hiện Mỹ đã rút hơn một nửa trong số 3.500 binh sĩ và các thiết bị, phần còn lại sẽ được rút hoàn toàn trước ngày 11/9 năm nay.

Mỹ đang tiến hành rút binh sỹ khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến dài nhất ở nước ngoài, như một phần thỏa thuận mà chính quyền Donald Trump đã đàm phán với Taliban ở Doha Qatar hồi tháng 2/2020.

Quân đội Mỹ trước đó đã lên kế hoạch hoàn tất việc rút quân vào khoảng tháng 7, ngoại trừ các binh sỹ chịu trách nhiệm bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Kabul. Nhưng các cuộc rút lui đã đến sớm hơn.

Khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 23/6 nói rằng, dù Taliban gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Afghanistan, nhưng lại không tăng cường tấn công nhằm vào binh sỹ Mỹ. Do đó, người Mỹ cần rút đi sớm để tránh bạo lực gia tăng.

Hải Lâm