Mỹ sợ tụt hậu trước Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo

Báo cáo của Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo gửi lên Tổng thống và Quốc hội rút ra kết luận rằng, Hoa Kỳ nên bác bỏ những quan điểm kêu gọi cấm các loại vũ khí tự động sử dụng công nghệ AI trên toàn cầu, bởi nó sẽ chỉ hạn chế chính mình.

Báo cáo này là kết quả làm việc trong hai năm của một nhóm nghiên cứu lớn do cựu giám đốc Google Eric Schmidt, hiện là người đứng đầu Ủy ban An ninh về Trí tuệ Nhân tạo và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Work dẫn đầu.

Trong thời gian qua, nhiều chuyên gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối việc sử dụng AI trong lĩnh vực quân sự và phát triển vũ khí sát thương tự động. Do đó, bản báo cáo này cũng bị một số nhà khoa học chỉ trích vì nó là “sự hợp pháp hóa robot giết người”.

Tuy nhiên, các học giả Mỹ lập luận rằng, hai đối thủ tiềm tàng của Mỹ là Trung Quốc và Nga có thể sẽ không tham gia hiệp định cấm các vũ khí AI như vậy. Và trong trường hợp này, Hoa Kỳ sẽ trở nên dễ bị tổn thương.

Nhóm soạn thảo báo cáo nhận định rằng, trong chiến tranh hiện đại, thời gian đưa ra quyết định ngày càng thu hẹp và con người không còn có thể phản ứng đủ nhanh trước các mối đe dọa. Do đó, vai trò của AI đang ngày càng trở nên quan trọng, hỗ trợ con người trong những tình huống khẩn cấp, với lượng dữ liệu thu thập lớn.

Nội dung chính của báo cáo là phải làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI vào năm 2030.

Mỹ đang lo ngại tụt hậu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo quân sự (Ảnh minh họa)

Báo cáo lưu ý rằng, trong nhiều thập kỷ Lầu Năm Góc đã dựa vào sự phát triển của các thiết bị quân sự "hạng nặng" như: Tàu ngầm, tàu sân bay, máy bay ném bom…, và hiện nay Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc ứng dụng công nghệ AI vào lĩnh vực quân sự.

Các tác giả của báo cáo cảnh báo rằng, bây giờ làm vẫn chưa muộn, nhưng nếu không làm ngay bây giờ thì Trung Quốc, với các UAV hoạt động theo “bầy đàn”, sẽ có thể thắng Mỹ trong cuộc xung đột quân sự tiềm tàng, dù Hoa Kỳ đang sở hữu những hạm đội hùng mạnh.

Ý tưởng chính về phát triển AI của Mỹ như sợi chỉ đỏ xuyên suốt báo cáo là sự kết nối giữa các công nghệ AI với tổ hợp công nghiệp-quân sự.

Các khuyến nghị cho Tổng thống và Quốc hội bao gồm tăng gấp đôi chi tiêu của Mỹ cho nghiên cứu AI dân sự lên 32 tỷ USD vào năm 2026, nới lỏng luật nhập cư để giúp thu hút nhân tài từ nước ngoài, bao gồm nỗ lực gia tăng tình trạng "chảy máu chất xám" từ Trung Quốc, tạo ra một cấu trúc đặc biệt có thể giúp Tổng thống Mỹ phát triển chính sách toàn diện về AI.

Để ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng về công nghệ của Trung Quốc và duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ về thiết kế chip cho hệ thống AI trong ít nhất hai thế hệ tiếp theo, các tác giả của báo cáo đề xuất tiếp tục chính sách hạn chế cung cấp cho Trung Quốc các loại thiết bị để sản xuất chip thế hệ mới nhất, cũng như giám sát cẩn thận việc cung cấp các công nghệ cao cho Trung Quốc.

Các công ty công nghệ cao của Mỹ nên báo cáo hàng quý về sự hợp tác với Trung Quốc. Các công ty cần phải chắc chắn rằng, Bắc Kinh không sử dụng các công nghệ của họ để vi phạm nhân quyền.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra sự cần thiết phải chuyển các nhà máy toàn chu kỳ quan trọng nhất, bao gồm cả nhà máy sản xuất chip, trở về Hoa Kỳ.

Các tác giả của báo cáo viết, để có như vậy cần phải cung cấp các ưu đãi thuế nghiêm túc. Đây là một biện pháp quan trọng, vì Hoa Kỳ không nên phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, đặc biệt là các chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Nhật Nam