Mỹ tính sai các biện pháp trừng phạt chống Nga tương tự 'Bài học về bom nguyên tử'

Mỹ đã tính toán sai lầm trong các việc triển khai các biện pháp trừng phạt chống Nga, họ đang lặp lại 'Bài học về bom nguyên tử' trong quá khứ, nhà kinh tế học người Nga Mikhail Khazin nhận xét.

Khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Nga khi phải hứng chịu những lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và châu Âu đã làm nản lòng nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây.

Các nhà phân tích được tờ Business Insider (BI) phỏng vấn thừa nhận rằng họ từng tin tưởng chắc chắn những hạn chế do phương Tây áp đặt sẽ gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho Moskva.

Tuy nhiên điều này đã không xảy ra: ngân sách Nga tiếp tục được bổ sung nhờ xuất khẩu năng lượng và nhu cầu nội địa ổn định, và nhìn chung, nền kinh tế Nga đang trên đà khởi sắc và phát triển một cách vững chắc.

Trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE), nhà kinh tế học nổi tiếng người Nga Mikhail Khazin giải thích: “Vấn đề là để dự đoán ít nhiều về tình hình, bạn cần phải lập mô hình kinh tế. Họ có các mô hình, nhưng rắc rối là chúng được xây dựng không sát với thực tế".

"Họ đối xử với nền kinh tế của chúng tôi như thể nó là nền kinh tế của họ, trong khi chúng hoàn toàn khác biệt, bởi vì có những mối liên hệ bên trong hoàn toàn khác nhau”, chuyên gia kinh tế Khazin lưu ý.

Theo ông Khazin, các mô hình kinh tế do phương Tây xây dựng không chỉ thiếu phù hợp để phân tích về Nga, mà còn chẳng thể đánh giá chính xác những gì đang xảy ra ở Mỹ và chính châu Âu.

Không một nhà phân tích tự do nào có thể dự đoán cuộc khủng hoảng hiện tại (chuyên gia Khazin gọi đây là cấu trúc và dự kiến nó sẽ tiếp tục cho đến giữa những năm 2020) một cách chính xác vì những hạn chế của hệ tư tưởng.

Ngày nay, không ai trong số các nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ và châu Âu nhận thức được bản chất của cuộc khủng hoảng xảy ra đối với phương Tây, chứ chưa nói đến thực tế của Nga.

Chuyên gia kinh tế Khazin thậm chí còn lên tiếng so sánh sự thất bại của các chuyên gia phương Tây với sự sụp đổ của những dự báo từng được Mỹ đưa ra về sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân tại Liên Xô trong quá khứ:

“Một tình huống tương tự, chẳng hạn như vào cuối những năm 1940, khi nước Mỹ tin rằng Liên Xô sẽ chỉ có thể chế tạo bom nguyên tử vào năm 1954".

"Tuy nhiên chúng tôi đã thực hiện thành công điều đó vào năm 1949. Sang tới năm 1954, Liên Xô thậm chí đã chế tạo được bom nhiệt hạch”, người đối thoại của tờ PE nhấn mạnh.

Trước đó, cũng chính nhà kinh tế này đã giải thích lý do tại sao phương Tây không thể hạ bệ nền kinh tế Nga để đáp trả việc Điện Kremlin tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo chuyên gia Khazin, Mỹ và các đồng minh xây dựng nền kinh tế dựa trên một lượng tài nguyên nhất định (tài chính và chính trị) mà họ sở hữu.

Tuy nhiên trên thực tế, các đối thủ của Liên bang Nga không thể loại bỏ những công cụ sắc bén nhất mà Moskva nắm trong tay, ví dụ như năng lượng.

Bạch Dương