Mỹ tung hàng loạt động thái cứng rắn mới nhắm vào Trung Quốc

Đã sáu tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Trung vẫn không có dấu hiệu cải thiện mà thậm chí trượt sâu hơn vào bế tắc. Trong khi Trung Quốc (TQ) tìm cách tận dụng tình hình đại dịch COVID-19 để lan tỏa ảnh hưởng và giành ưu thế ngoại giao trên thế giới thì Mỹ bắt đầu phản đòn với những động thái mang tính đối kháng cao với TQ, nhằm mục tiêu buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho những hành vi làm ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế nói chung.

Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung lại nóng

Ngày 9-6, hãng Reuters đưa tin Thượng viện Mỹ vừa chính thức thông qua dự luật Đổi mới và Cạnh tranh Mỹ năm 2021 (USICA) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực công nghệ với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống.

Nội dung của USICA nêu rõ Washington sẽ dành khoản ngân sách gần 250 tỉ USD để hỗ trợ một loạt hãng nghiên cứu sản xuất công nghệ khác nhau ở Mỹ trong năm năm tới. Về tỉ lệ chia ngân sách trước mắt, 54 tỉ USD sẽ dùng để thành lập một quỹ trợ cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn và thiết bị liên lạc, 190 tỉ USD khác sẽ đem tài trợ cho các dự án nghiên cứu công nghệ mới. Dự luật cũng yêu cầu sắt, thép, sản phẩm chế tạo và vật liệu xây dựng dùng trong các dự án cơ sở hạ tầng công phải được sản xuất tại Mỹ. Hiện dự luật USICA đã được chuyển đến Hạ viện để bỏ phiếu trước khi đưa qua Tổng thống Biden để ký thành luật chính thức.

Nhân viên ngoại giao Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc hội đàm giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 2-2019. Ảnh: AP

Trong những năm qua, quốc gia gây ra nhiều vấn đề nhất cho TQ không phải là Mỹ mà chính là TQ. Các chính sách như “ngoại giao chiến lang”, quân sự hóa trái phép Biển Đông đang khiến cả thế giới phản ứng dữ dội với Bắc Kinh. Việc Mỹ và các đồng minh ngày càng mạnh tay hơn với TQ chỉ là một phần của phản ứng đó.

Ông KURT CAMPBELL, điều phối viên các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng
An ninh quốc gia Mỹ

Phát biểu trong cuộc họp báo sau buổi bỏ phiếu, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh đây là bước đi cần thiết để đảm bảo nền khoa học - công nghệ Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới. Nghị sĩ này cũng thẳng thắn cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải đối mặt một loạt hậu quả nghiêm trọng nếu không cấp ngân sách cho các chương trình nghiên cứu công nghệ để bắt kịp TQ. “Nước nào chiến thắng trong cuộc đua công nghệ của tương lai sẽ giành được thế thượng phong về kinh tế, ngoại giao, an ninh với sức ảnh hưởng lớn lên toàn thế giới” - ông Schumer khẳng định.

Về phía TQ, hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn thông báo của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội TQ chỉ trích dự luật mới của Mỹ là nỗ lực can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước này và xâm phạm “quyền phát triển công nghệ và độc lập kinh tế hợp pháp” của TQ. Thông báo cũng khẳng định USICA phản ánh “tâm lý Chiến tranh lạnh và định kiến ý thức hệ” của giới lãnh đạo tại Washington.

Lật lại vấn đề cân bằng thương mại với TQ

Một ngày trước khi Thượng viện thông qua dự luật USICA, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết đang chuẩn bị thành lập một nhóm đặc trách do đại diện thương mại Katherine Tai dẫn đầu để rà soát toàn bộ quá trình trao đổi thương mại giữa Mỹ và các nước nhằm tìm kiếm những vi phạm cụ thể đã khiến các chuỗi cung ứng của Mỹ bị mất cân bằng và cạn kiệt thời gian qua, theo hãng tin Al-Jazeera.

Dù không nêu đích danh TQ nhưng giới quan sát cho rằng cuộc rà soát là một phần chiến lược của chính quyền ông Biden nhằm củng cố năng lực cạnh tranh của Mỹ trước những thách thức kinh tế ngày càng lớn từ Bắc Kinh. Nói cách khác, TQ là mục tiêu lớn nhất mà nhóm đặc trách Mỹ nhắm tới trong đợt rà soát lần này.

Về những dấu hiệu mà Mỹ cho là thương mại không cân bằng, một quan chức cấp cao tại Washington chia sẻ rằng trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Mỹ đã gặp khó khăn trong việc thu mua trang thiết bị y tế và đang bị thiếu thốn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chip điện tử. Mỹ còn phải chịu những hành động thương mại không công bằng như trợ giá chính phủ và ép buộc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ từ một số nước như TQ.

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với bộ trưởng thương mại các nước thuộc tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 5-6, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai từng nhận xét quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang phát triển không lành mạnh, tình trạng mất cân bằng cao và điều này không có lợi cho Mỹ. Bà cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách san bằng khoảng cách này.

Mỹ - EU đoàn kết ủng hộ điều tra nguồn gốc COVID-19

Vấn đề nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 hiện đang gây chia rẽ lớn trong quan hệ Mỹ - Trung chừng nào TQ vẫn còn chưa chấp nhận cho chuyên gia quốc tế tiếp cận Viện Virus học ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc để xem xét rõ ràng. Theo tiết lộ của hãng tin Bloomberg ngày 9-6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã soạn trước một bản dự thảo tuyên bố chung trước thềm thượng đỉnh hai bên diễn ra vào ngày 15-6 tới với nội dung kêu gọi thế giới tiếp tục tăng cường nỗ lực điều tra nguồn gốc virus. “Mỹ và EU ủng hộ tiến hành nghiên cứu nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 giai đoạn 2 một cách minh bạch, dựa trên bằng chứng và do chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu” - dự thảo khẳng định.

Mỹ và EU cũng cam kết sẽ “làm việc cùng nhau, phát triển và sử dụng các phương tiện nhanh chóng và độc lập để điều tra các đợt bùng phát dịch bệnh như vậy trong tương lai”. Bên cạnh vấn đề COVID-19, Bloomberg cho biết dự thảo còn nêu rõ Mỹ và EU phản đối các hành động gây hấn đơn phương, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác trên Biển Đông. Vấn đề Hong Kong, Đài Loan và các điểm nóng xung đột khác trong khu vực có liên quan tới TQ cũng được nhắc tới.