Mỹ và 31 nước Đại Tây Dương tham gia thỏa thuận hợp tác kinh tế và môi trường

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) phát biểu tại Hội nghị cấp bộ trưởng về Hợp tác Đại Tây Dương ở New York, Mỹ hôm 18-9.

Hôm 18-9, tại một hội nghị bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, hơn 30 nước dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã thông qua Tuyên bố về hợp tác Đại Tây Dương.

Với tuyên bố này, các nước liên quan nhất trí thành lập Quan hệ đối tác hợp tác Đại Tây Dương, một diễn đàn để thúc đẩy hợp tác và tương tác giữa các nước tiếp giáp Đại Tây Dương.

Ngoài Mỹ, một số thành viên đáng chú ý của thỏa thuận hợp tác bao gồm Argentina, Brazil, Canada, Hà Lan, Nigeria, Na Uy, Bồ Đào Nha, CHDC Congo, Tây Ban Nha, Anh.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, thương mại Đại Tây Dương đóng góp 1,5 nghìn tỉ đô la hàng năm cho nền kinh tế toàn cầu và dự kiến con số đó sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Các ngành kinh tế đại dương bền vững ước tính tạo ra gần 50 triệu việc làm ở châu Phi và đóng góp 21 tỉ đô la cho nền kinh tế Mỹ Latin mỗi năm.

“Đại Tây Dương kết nối và duy trì chúng ta hơn bao giờ hết”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói tại hội nghị. Ông lưu ý, Đại Tây Dương là nơi có lượng vận chuyển thương mại hàng hải quốc tế lớn nhất và thông qua các tuyến cáp quang ngầm dưới biển, đây là tuyến đường truyền dữ liệu lớn bất kỳ đại dương nào khác.

Tuy nhiên, ông cho biết Đại Tây Dương cũng đang bị đe dọa bởi các vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu, với những cơn bão có sức tàn phá lớn hơn đối với các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, cũng như nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.

Ông nói: “Chính sự nóng lên và làm mát của Đại Tây Dương đang điều khiển các kiểu khí hậu và thời tiết toàn cầu”.

Trong thông báo cùng ngày, Nhà Trắng nhấn mạnh mối quan hệ đối tác hợp tác Đại Tây Dương sẽ tạo ra các nước thành viên mợt nền tảng mới để cùng nhau hợp tác trong các vấn đề như khoa học và công nghệ, nền kinh tế đại dương bền vững và biến đổi khí hậu.

Tuyên bố về hợp tác Đại Tây Dương được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước đang phát triển và tăng cường hỗ trợ tài chính cho họ. Mỹ hy vọng sẽ cung cấp cho họ giải pháp thay thế khả thi hơn cho làn sóng đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Gần đây, một số nước chỉ trích Mỹ tập trung một cách không cân xứng, cả về mặt kinh tế và chiến lược, vào việc hỗ trợ Ukraine so với các nước nghèo khác đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cho đến lãi suất cao và nợ quốc tế.

Thỏa thuận đối tác Đại Tây Dương không có thành phần an ninh hoặc quân sự nên không nhằm mục đích bổ sung cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, thỏa thuận bao gồm cam kết đảm bảo các nước Đại Tây Dương “không bị can thiệp, ép buộc hoặc hành động gây hấn”. Các bên ký kết cũng đồng ý duy trì bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các nước, đồng thời công nhận vai trò của mỗi nước ở Đại Tây Dương.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, ý tưởng tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ven bờ Đại Tây Dương đã có trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo vị quan chức này, thỏa thuận đối tác Đại Tây Dương sẽ được điều phối bởi Bộ Ngoại giao của các nước liên quan, cho phép họ giải quyết tốt hơn các vấn đề xuyên quốc gia như hoạt động đánh bắt cá trái phép, thiên tai và buôn lậu.

Theo Financial Times, AP

Chánh Tài