Nam sinh bị đứt khí quản do vướng vào dây căng ngang đường

Ngày 10/3, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), cho biết người gặp nạn là Đ.T.D. (19 tuổi, sinh viên, ngụ tại Sóc Trăng).

Sau tai nạn, D. không đi khám vì chỉ thấy vết thương nhỏ ở vùng cổ, ngực. Bốn ngày sau, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng phù nề vùng cổ, khàn giọng, khó thở nên đến bệnh viện địa phương khám và được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, tím môi, khò khè…

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho nam sinh Đ.T.D. Ảnh: T.P.

Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán nam sinh bị tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi 2 bên, tụ khí vùng cổ và thành ngực, đứt khí quản. Sau khi phẫu thuật, chiều 10/3, bệnh nhân ổn định, sinh hoạt gần như bình thường.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Chánh Thi (Trưởng khoa Tai Mũi Họng), chấn thương thanh - khí quản ít gặp trong thực tế lâm sàng nhưng có xu hướng ngày càng tăng. Đây là loại chấn thương có tỷ lệ tử vong cao xếp thứ 2 sau chấn thương sọ não.

Đặc biệt, tỷ lệ di chứng xơ sẹo trong chấn thương thanh - khí quản rất cao, ảnh hưởng đến việc thở và phát âm. Việc khắc phục những di chứng này gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên tắc điều trị chấn thương thanh khí quản là đảm bảo hô hấp, đồng thời khôi phục tối đa cấu trúc giải phẫu và sinh lý hô hấp, phát âm của hệ thống thanh khí quản.

Các triệu chứng của chấn thương khí quản rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là:

- Khó thở, mức độ khó thở có thể từ nhẹ đến trung bình hoặc nặng và ngày càng tăng dần.

- Tràn khí dưới da: Có thể lan tràn gây biến dạng vùng cổ, cằm, mặt, ngực,…

- Ho thành cơn, có thể ho sặc, đau tăng khi ho, khó thở tím tái, khàn hoặc mất tiếng.

Việt Tường