Nâng cao chất lượng công tác phối hợp để đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động tốt hơn

Các đồng chí: Nguyễn Phi Thường- đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành Ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Bạch Liên Hương- Thành Ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đồng chủ chì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, 5 năm qua, Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố và Liên đoàn Lao động Thành phố được triển khai chặt chẽ, đạt mục đích, yêu cầu đề ra trên tất cả các nội dung gồm: Phối hợp tham gia xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến người lao động; Phối hợp triển khai các nhiệm vụ, các chương trình, đề án, dự án do Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố giao; Phối hợp nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc làm, đời sống của người lao động và đề xuất Thành phố có biện pháp hỗ trợ; Phối hợp hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, Luật Công đoàn, luật An toàn vệ sinh lao động và giải quyết các vướng mắc về chế độ chính sách đối với người lao động; Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật…

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường phát biểu tại Hội nghị (ảnh Lương Hằng).

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Trong giai đoạn 2016-2020, hai ngành đã tích cực phối hợp với Ngân hàng chính sách Xã hội, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai công tác vay vốn quốc gia giải quyết việc làm cho người lao động, tính riêng năm 2016, 2017 đã triển khai hướng dẫn lập dự án, thẩm định cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Thành phố 49,095 tỷ đồng, giải ngân cho 162 dự án, tạo việc làm cho 1.833 công nhân lao động nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện Bộ luật Lao động 2012, hằng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phối hợp hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng và đăng ký nội quy lao động cho hơn 600 doanh nghiệp, góp phần hạn chế những quy định bất lợi cho người lao động.

Bà Bạch Liên Hương Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị (ảnh L.Hằng).

Cùng đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tính đến nay, đã có 2.150 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể (đạt 58,32%) với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với các quy định của pháp luật.

5 năm qua, Liên đoàn Lao động Thành phố và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 06 buổi đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về các nội dung của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Ngoài ra, từ năm 2016 đến năm 2020, các cấp Công đoàn Thành phố đã phối hợp với cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an chủ động tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết 28 vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Lãnh đạo hai đơn vị ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021- 2025 (ảnh L.Hằng).

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, Liên đoàn Lao động Thành phố và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động tại 594 doanh nghiệp; hàng năm hai bên cũng phối hợp với các cơ quan liên ngành Thành phố tiến hành thanh tra từ 80 đến 100 đơn vị nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, từ đó đã góp phần giảm số nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố từ 2.600 tỷ chiếm 5,7% số phải thu (năm 2017), xuống còn 1.694 tỷ, chiếm 4,32% số phải thu (năm 2018) và xuống 2% (năm 2019).

Tại hội nghị, các đồng chí Thường trực, lãnh đạo các phòng, ban hai cơ quan đã trao đổi ý kiến làm rõ hơn kết quả đã đạt được, đề xuất các giải pháp để công tác phối hợp giữa hai ngành đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong chương trình phối hợp công tác giữa hai ngành giai đoạn 2016- 2020. “Với những chức năng và nhiệm vụ tương đồng, việc thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp công tác đã giúp mỗi ngành hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vai trò, vị thế của mình, đặc biệt, công tác phối hợp đã giúp chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động cũng như nâng cao năng suất lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hỏa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô”- Chủ tịch Nguyễn Phi Thường đánh giá.

Phân tích bối cảnh trước mắt khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành tác động trực tiếp đến quan hệ lao động, hoạt động Công đoàn đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Chủ tịch Nguyễn Phi Thường chỉ rõ những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm mà tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ thực hiện trong thời gian tới, đồng thời mong muốn ngành Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, qua đó thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, cùng chăm lo, bảo vệ người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Thay mặt Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cũng đánh giá cao hiệu quả chương trình phối hợp giữa hai đơn vị. Đồng tình, nhất trí với những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Giám đốc Bạch Liên Hương đề nghị hai cơ quan tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình ký kết không chỉ dừng lại ở cấp Thành phố mà lan tỏa tới cấp trên cơ sở, cơ sở để chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao nhất.

Toàn cảnh Hội nghị (ảnh Lương Hằng).

Tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường và Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương đại diện hai đơn vị đã ký chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 gồm 5 nội dung: phối hợp trong xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch của Thành phố có liên quan đến công nhân viên chức lao động; phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp trong công tác quan hệ lao động và An toàn, vệ sinh lao động; Phối hợp tổ chức Hội thi thợ giỏi Thành phố và nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân lao động; phối hợp chăm lo cho công nhân viên chức lao động và con công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Một số chỉ tiêu của công tác phối hợp giai đoạn mới mà hai bên đặt ra là: hàng năm tiến hành thanh tra, kiểm tra từ 100 đến 200 đơn vị, doanh nghiệp địa bàn Thành phố về thực hiện pháp luật Lao động, Việc làm, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội- bảo hiểm y tế- bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra, kiểm tra chuyên đề thực hiện pháp luật về công tác An toàn vệ sinh lao động mỗi năm ít nhất từ 45- 50 đơn vị, doanh nghiệp và 4-6 cơ quan quản lý nhà nước cấp quận, huyện vào Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, kiểm tra đột xuất (nếu có).

Phạm Diệp