Nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế

Sáng 29-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch ốc hội (QH) Vương Đình Huệ, kỳ họp thứ 6 QH khóa XV đã bế mạc.

Giải quyết những vấn đề cấp bách

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH ương Đình Huệ nêu rõ sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 6 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.

Về công tác lập pháp, với tỉ lệ tán thành rất cao, QH đã xem xét, biểu quyết thông qua 8 nghị quyết chuyên đề, 1 nghị quyết chung của kỳ họp và 7 luật, gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi). QH cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật: Luật BHXH (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Các luật và dự luật này có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.

Tại kỳ họp, QH đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, trong đó cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có tính cấp thiết, để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch QH cho rằng 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. QH yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phát chiến lược.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XVẢnh: PHẠM THẮNG

Nhiều quyết sách cần triển khai ngay

Trước đó, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, QH đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 6 QH khóa XV.

Bên cạnh việc hoàn thành đề án vị trí việc làm, QH giao Chính phủ xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024. Chính phủ cũng phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non, phù hợp với tổng thể và điều kiện thực tế Việt Nam; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế.

QH giao Chính phủ trong quý II/2024 phải ban hành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam. Tiến độ nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho dự án hạ tầng giao thông cần phải được đẩy nhanh. Cũng trong năm 2024, các bộ, ngành có nhiệm vụ sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng, có giải pháp xử lý các vướng mắc đối với một số dự án BOT; đồng thời đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc.

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6, QH giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, xây dựng cơ bản, tổ chức cán bộ...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

QH cũng giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của QH về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng; nghiên cứu, trình QH xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, QH đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết ngày 31-12-2024, đồng thời bổ sung 966,749 tỉ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án. Song song đó, QH cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31-12-2024; đồng ý giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 1-1 đến hết 30-6-2024.

VĂN DUẨN - HUY THANH