Nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh từ phiên tòa giả định

Quang cảnh phiên tòa giả định. Ảnh: R.H

Bị cáo tại phiên tòa giả định là một nam thanh niên tên Nguyễn Hữu Xuân (SN 2001, trú tại xã An Phú, TP. Pleiku) điều khiển xe máy có dung tích xilanh 110 cm3 và không có giấy phép lái xe gây nạn giao thông chết người. Cụ thể, vào khoảng 19 giờ 30 ngày 17-2-2023, Xuân điều khiển xe máy lưu thông trên quốc lộ 19 hướng từ TP. Pleiku đi huyện Đak Đoa. Khi đến khu vực ngã ba đường đi vào nhà thờ Phú Thọ (thuộc thôn 5, xã An Phú), do không chú ý quan sát phía trước nên đã tông vào xe máy do Nguyễn Văn Nghĩa (trú tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) điều khiển lưu thông theo chiều ngược lại. Hậu quả, vụ va chạm khiến Nghĩa tử vong.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông trên là do Xuân điều khiển xe máy không có đèn chiếu sáng, không chú ý quan sát. Bên cạnh đó, bị hại Nghĩa cũng có một phần lỗi điều khiển xe không đúng phần đường quy định. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Xuân 2 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Thầy Đoàn Văn An-Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự cho biết: Năm học 2023-2024, nhà trường có 875 học sinh với 20 lớp. Ngoài nâng cao chất lượng dạy học, thời gian qua, nhà trường thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền pháp luật cho học sinh, nhất là về an toàn giao thông. Vào các ngày thứ hai hàng tuần dành cho hoạt động dưới cờ, từng chủ đề, chủ điểm phù hợp, nhà trường tuyên truyền vấn đề an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thành lập tổ an toàn giao thông nhằm giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho các học sinh. Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền pháp luật thực tế. Do đó, sau khi có thông báo của các đơn vị, nhà trường đã phối hợp với Đoàn xã An Phú cùng xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ chọn địa điểm, thời gian để phục vụ công tác tổ chức đạt hiệu quả.

“Phiên tòa giả định tổ chức tại trường có sự tham gia của hơn 400 học sinh khối 7 và 9. Ngoài ra, phiên tòa giả định còn có sự tham gia 50 học sinh của 2 trường Tiểu học Nguyễn Khuyến và Trường Tiểu học Trần Quý Cáp (xã An Phú). Thời gian tới, nhà trường mong muốn phối hợp với các đơn vị tiếp tục tổ chức các phiên tòa khác và lấy những vụ việc thực tế tại địa phương để có tính lan tỏa nhiều hơn”-thầy An cho biết thêm.

Em Hồ Phi Long (lớp 9.3) chia sẻ: "Gần đây, qua theo dõi thông tin báo chí, em thấy trên địa bàn thành phố xảy nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Vì vậy, phiên tòa giả định ngày hôm nay giúp em nhận thức rõ hơn về quy định của pháp luật và và hệ lụy của tai nạn giao thông gây ra". Còn em Trương Trần Tuấn Tú (lớp 9.4) thì chia sẻ: Phiên tòa giả định về vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” giúp em tiếp thu rất nhiều kiến thức. Em sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người thân, bạn bè chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Thời gian đến, mong rằng nhà trường và các đơn vị tiếp tục tổ chức phiên tòa giả định về bạo lực học đường.

Sau phiên tòa giả định, Ban tổ chức tiến hành đặt câu hỏi về quy định của Luật Giao thông đường bộ, tặng quà cho những người trả lời đúng đáp án. Ảnh: R.H

Theo chị Trần Thị Ngọc Hà-Bí thư Chi Đoàn Tòa án nhân dân TP. Pleiku-thông tin: Phiên tòa giả định về vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được xây dựng dựa trên một vụ án có thật xảy ra tại địa phương. Để tạo sự thu hút cho học sinh trước khi vào xét xử, Ban tổ chức đã xây dựng hoạt cảnh tái hiện lại tình huống của vụ án. Sau phiên tòa giả định, Ban tổ chức cũng phổ biến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Đồng thời, tổ chức đặt câu hỏi về quy định của Luật Giao thông đường bộ kết hợp tặng quà cho những người trả lời đúng đáp án nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức các phiên tòa giả định khác tại khu dân cư, trường học trên địa bàn”-Bí thư Chi Đoàn Tòa án nhân dân TP. Pleiku nói.

R'Ô HOK