Nâng trách nhiệm, kéo giảm vi phạm pháp luật về môi trường

Công an phát hiện một điểm khai thác đá trái phép tại xã Ngọc Định (huyện Định Quán). Ảnh: N.Minh

Việc phá hủy môi trường không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, tổ chức, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nói chung. Hành vi này cần bị xử phạt nặng để răn đe, ngăn ngừa chung.

Phát hiện nhiều sai phạm

Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, một số hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm được phát hiện như: khai thác khoáng sản trái phép; đổ trộm chất thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về bảo vệ động vật quý, hiếm; vận chuyển, mua bán, chế biến gia súc, gia cầm đã chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng…

Liên quan đến hành vi sai phạm này, thời gian qua, nhiều công ty đã bị xử lý vi phạm với mức xử phạt nghiêm khắc. Đơn cử như ngày 13-10-2023, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Vĩnh Cửu) số tiền hơn 1,1 tỷ đồng do xả thải trái phép ra môi trường.

Theo đó, Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei có hành vi xả thải trái phép nước thải vào hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp và xả nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên. Ngoài ra, công ty còn bị xử phạt bổ sung bằng việc đình chỉ hoạt động phát sinh nguồn gây ô nhiễm trong 3 tháng.

Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh với thủ đoạn rất tinh vi, hoạt động lén lút nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Đơn cử như ngày 8-12-2023, Công an tỉnh đã bắt tạm giam 4 đối tượng, trong đó có giám đốc và phó giám đốc của Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) là: Phạm Đức Long và Bùi Quốc Phú, cùng 2 đồng phạm khác để điều tra hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Qua điều tra xác định, Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm lợi dụng giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác đá để khai thác đất trái phép tại mỏ đá Soklu 1 (xã Gia Kiệm) bán ra thị trường, thu lợi bất chính. Trong thời gian từ tháng 4 đến 11-2023, Long và Phú điều hành các hoạt động khai thác đất trái phép tại mỏ đá Soklu 1 và khu vực ranh giới với số lượng hơn 64 ngàn m3, thu lợi bất chính hơn 4,7 tỷ đồng.

Thậm chí, một số công ty chuyên xử lý rác thải về môi trường nhưng vẫn bị người dân phản ảnh gây ô nhiễm môi trường vì xử lý chất thải không đúng quy định, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Vào tháng 1-2024, Sở Tài nguyên và môi trường đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và môi trường về một số nội dung liên quan đến việc xử lý rác thải tại Công ty CP Môi trường Thiên Thanh (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu). Sở kiến nghị trong trường hợp nếu có sai phạm thì cần xử lý vi phạm, tránh khiếu kiện kéo dài.

Trước đó, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam, Cục Kiểm soát môi trường đã kiểm tra Công ty CP Môi trường Thiên Thanh và ghi nhận một số nội dung tồn tại ở công ty như: hệ thống xử lý nước thải của công ty đang vận hành thử nghiệm nhưng công ty chưa có văn bản thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm; không có bể tuần hoàn; công ty không cung cấp được hồ sơ minh chứng cho việc hợp chuẩn, hợp quy đối với gạch sản xuất; một nhà xưởng tận thu chì không có trong hồ sơ môi trường…

Ngăn chặn hành vi xâm hại môi trường

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thời gian qua, mặc dù vi phạm về môi trường giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trên thực tế, các hành vi vi phạm liên quan đến môi trường chủ yếu mới dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính. Công tác điều tra, truy tố đối với hành vi vi phạm liên quan đến môi trường chưa nhiều nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Trong năm 2023, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện gần 350 vụ với hơn 360 cá nhân, tổ chức vi phạm về môi trường (ít hơn gần 23% số vụ và hơn 20% số đối tượng, tổ chức vi phạm so với năm 2022). Trong đó, riêng hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản xảy ra hơn 100 vụ.

Bởi lẽ, việc xác định chứng cứ trong các loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, dù biết rõ là hành vi của các đối tượng gây ô nhiễm không khí, nguồn nước… nhưng để chứng minh là rất khó khăn. Trong khi đó, hành vi xâm hại môi trường, khai thác khoáng sản thường diễn ra trong một thời gian dài đến khi phát hiện thì đã gây ra hậu quả về nhiều mặt và trên diện rộng.

Mặt khác, hiện một bộ phận người dân vẫn còn xem nhẹ, chưa coi việc bảo vệ môi trường là cấp thiết, quan trọng; ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế; công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra…

Do đó, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường, nhất là khai thác khoáng sản tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các cơ quan chức năng cần phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức người dân và đề cao vai trò của quần chúng Nhân dân trong công tác đấu tranh với tội phạm về môi trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự địa bàn.

Nhật Minh