Nền kinh tế giữa đôi bờ sáng, xám

Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Ảnh: TL

Khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ

“Gay gắt” được đề cập đến ngay trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 8, ngày 2/10/202. Tổng Bí thư nêu rõ, việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024 được đặt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo, đã ảnh hưởng tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong khi ở trong nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta và những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19”.

Đề nghị Trung ương chú ý thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện, Tổng Bí thư lưu ý đến 7 thực tế khó khăn, hạn chế mà Việt Nam phải đối mặt như: 1. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; 2. Thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (DN) còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro; 3. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; 4. Sức chống chịu của DN bị bào mòn sau đại dịch Covid-19; 5. Một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện nghiêm minh; 6. Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền; 7. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...

Vượt qua “những cơn gió ngược”

Hai trạng thái “sáng”, “xám” được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, với chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” khi ông phát biểu khai mạc Diễn đàn này hồi trung tuần tháng 9.

Bảo vệ cán bộ dám làm

Cán bộ sợ sai, làm việc cầm chừng và né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã trở thành vấn đề nhức nhối trong toàn hệ thống chính trị, khiến nhiều công việc bị trì trệ, ách tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Ngày 10/5/2023, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tập trung rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định quy định cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chủ tịch Quốc hội dự cảm việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Thấy rằng đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, Chủ tịch Quốc hội đặt nặng tâm tư vào tình hình kiệt lực của DN. Sức chống chịu của nhiều DN đã tới hạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Thị trường lao động gặp khó khăn khi DN phải giảm giờ làm, giảm ca. Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của DN, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay… Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.

Dứt khoát không né tránh

Đánh giá tình hình sẽ còn tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, xác định rõ đây là trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân…

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, bên cạnh đánh giá những thành tựu, kết quả cơ bản đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn phân tích về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức nổi lên, nguyên nhân của kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và các bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát thực hiện. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, giải pháp điều hành.

Chú trọng bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý giữa: Tỷ giá và lãi suất; tăng trưởng và lạm phát; cung và cầu; chính sách tiền tệ và tài khóa; tình hình bên trong và bên ngoài. Bảo vệ, phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và xử lý nghiêm trường hợp né tránh sợ trách nhiệm, không dám làm.

Nguyên Mẫn