'Nga thử nghiệm boong-ke dưới nước của Putin'

Ảnh: Sergey Bobylev / TASS

Lần đầu tiên, chiếc tàu ngầm của Nga, được trang bị những thiết bị lặn không người lái hạt nhân có khả năng gây ra những cơn sóng thần khủng khiếp, đã ra khơi.

Đây là cách mà truyền thông phương Tây phản ứng trước thông tin tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng K-329 “Belgorod” thuộc dự án 09852 bước vào giai đoạn thử nghiệm chạy rốt-đa trên biển.

Tờ The Sun của Anh viết: "Phương tiện chiến đấu nặng 14.700 tấn được trang bị ngư lôi không người lái dưới nước với đầu đạn hạt nhân, mỗi ngư lôi đều được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo". "Con tàu bí mật khởi hành sau khi hải quân của Putin thề sẽ đánh chìm các tàu chiến Anh trong lần tới khi chúng đến quá gần Crimea".

Tờ Eurasian Times thông báo với độc giả: “Niềm đam mê của Nga đối với những “vũ khí khủng” một lần nữa lại trở thành hiện thực”. "Việc bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển đánh dấu một bước đột phá đáng kể."

“Đây là lời đe dọa của Putin! - báo New York Post nhận xét. "Tàu ngầm mới, được đặt tên là “Belgorod”, được coi là tàu ngầm lớn nhất được phát triển trên thế giới trong vòng 30 năm qua."

Các đặc tính kỹ thuật của dự án 09852 chưa được tiết lộ, còn những đặc tính kỹ thuật trên mạng thì chưa có giá trị như là Wikipedia, nghĩa là chưa chính thức. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng “Belgorod” không chỉ là tàu ngầm lớn nhất thế giới mà nó còn là tàu ngầm độc nhất vô nhị.

Để so sánh, nhà vô địch về kích thước của NATO - tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ có chiều dài 170,7 m và chiều rộng tối đa là 12,8 m, còn “Belgorod” dài 184 m và chỗ thân rộng nhất là 18,2 m.

Nhưng vấn đề không nằm ở đó: "Tàu ngầm Mỹ" có độ sâu hoạt động là 365 m, khiến cho nó dễ bị thủy âm hiện đại phát hiện, trong khi độ sâu hoạt động của “Belgorod” là 520 m, có nghĩa là nó trở nên vô hình đối với tất cả phương tiện kỹ thuật quan trắc độ sâu dưới biển hiện có.

Theo các chuyên gia Mỹ, ở vùng nước biển dưới mốc nửa km, thủy âm cực mạnh đảm bảo "bắt" được tàu ngầm ở khoảng cách 2 km tính từ nguồn tín hiệu, có nghĩa là "thợ săn tàu ngầm" thực tế phải ở trên đầu tàu ngầm.

Nhân tiện, có thể nói về độ sâu dưới mức của bước nhảy và về vùng gọi là vùng tối. Và nếu tính đến các khu vực khổng lồ của các đại dương và độ sâu trung bình 4 km của chúng, xác suất tìm thấy "Belgorod" trên thực tế có xu hướng bằng không.

Việc thiết kế và đóng tàu ngầm có độ sâu hoạt động dưới 500 m là vô cùng khó khăn. Người Mỹ phải thừa nhận rằng họ thiếu năng lực công nghệ như vậy.

Sau Thế chiến thứ 2, người Mỹ tập trung vào thủy âm học, vì họ tin rằng họ có thể bao phủ toàn bộ đại dương thế giới bằng phao sonar và do đó có thể theo dõi chuyển động của tàu ngầm đối phương.

Còn ở Liên Xô, một trường phái kỹ thuật độc đáo đã hình thành để tạo ra các phương tiện quân sự lớn dưới nước có khả năng đi đến độ sâu cực lớn. Trên thực tế, trong suốt Chiến tranh Lạnh, đã có một trò chơi trốn tìm lớn ở Đại dương Thế giới: Mỹ suốt ngày đi tìm kiếm tàu Nga, còn tàu Nga thì lẩn như trạch.

Có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đã thực sự từ bỏ việc phát triển tàu ngầm biển sâu sau thảm kịch tàu ngầm hạt nhân đa năng USS Thresher (SSN-593) bị chìm vào ngày 10 tháng 4 năm 1963 khiến cho 129 người thiệt mạng.

Thủy thủ đoàn thậm chí còn không có thời gian để gửi tín hiệu báo gặp nạn, mặc dù theo tiêu chuẩn của Nga, độ sâu lặn của tàu này rất nhỏ - chỉ 360 m.

Tàu SSN-593, được đóng từ loại thép chịu lực HY-80, cho phép chịu được áp suất 5600 kgf / cm2, đã nổ như một quả bóng bay. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi những người điều hành tàu USS Skylark (ASR-20), những người đồng hành cùng cuộc thử nghiệm và giữ liên lạc với thủy thủ đoàn cho đến phút cuối cùng.

Trở lại với “Belgorod”, khởi đầu quá trình chạy rốt-đa trên biển của con tàu đã bỏ người Mỹ lại phía sau ít nhất là nửa thế kỷ trong quá trình phát triển tàu ngầm biển sâu. Đó là lý do tại sao mục đích của tàu ngầm hạt nhân Đề án 09852 là bí ẩn lớn nhất đối với các nhà phân tích và chuyên gia quân sự phương Tây.

Các chuyên gia của Naval News, một trong những cổng thông tin có thẩm quyền nhất về công nghệ hải quân, cho rằng “Belgorod” sẽ kết hợp hai vai trò dường như trái ngược nhau.

Trước hết, như Naval News nhìn thấy, đó là con tàu sẽ làm nhiệm vụ tình báo và các nhiệm vụ đặc biệt. Kích thước của tàu ngầm và tính bí mật của nó dường như được thiết kế đặc biệt để trở thành "tàu mẹ" cho các tàu ngầm hạt nhân mini hoạt động ở vùng biển sâu, có thể là các "Losharik".

Các tàu ngầm "Losharik" sẽ không chỉ "nghe" các đường cáp Internet bí mật kết nối các nước phương Tây, mà còn "thăm hỏi" cả các căn cứ quân sự bí mật của NATO nữa.

Giáo sư Siddharth Kaushal thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông đã giải thích với Daily Mail rằng các cỗ máy chiến tranh tàu ngầm là chìa khóa của Điện Kremlin và ông cũng nhất trí rằng “Belgorod” thực sự đã thay đổi luật chơi.

Ông Kaushal lưu ý: “Các tuyến cáp ngầm xuyên qua đáy biển thực hiện 97% lưu lượng truy cập internet mà trong đó có các giao dịch tài chính hàng ngày với số lượng 10 nghìn tỷ USD. Bây giờ, Moscow đã có thể kiểm soát các tuyến cáp ngầm đó và trong trường hợp xảy ra chiến tranh, NATO sẽ không có thông tin liên lạc nào cả".

Theo Kaushal, diễn biến đáng lo ngại là chỉ huy tàu ngầm thuộc dự án 09852 sẽ báo cáo trực tiếp với Putin, chứ không phải lãnh đạo hải quân cao nhất của Nga. Chỉ riêng điều này đã khiến “Belgorod” giống như một cơ quan tình báo biển sâu cho Tổng thống Nga hơn là một tàu ngầm thông thường, tờ The Sun phàn nàn. Nói tóm lại, đây là một boong-ke dưới nước cho Putin,

Các nhà phân tích quân sự không nghi ngờ gì về vai trò thứ hai của con tàu là "giết chết các thành phố". Mặc dù tàu ngầm hạt nhân này là một tàu ngầm tối mật, nhưng truyền thông phương Tây đồng loạt viết rằng "tàu ngầm “Belgorod” sẽ được trang bị sáu quả “Poseidon”, đây là một loại vũ khí hoàn toàn mới chưa được sử dụng trong bất kỳ hạm đội nào khác."

Và trên thực tế, những gì được công bố trên mạng, nhất là trên các phương tiện truyền thông châu Âu và Mỹ có uy tín cao vẫn chưa có xác nhận chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga nhưng có thể hiểu rằng người ta đang nói về loại ngư lôi tự hành xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.

“Với chiều dài hơn 20 mét, chúng thực sự là những thiết bị không người lái dưới nước với phạm vi lướt dưới nước gần như không giới hạn và độ sâu 1000 mét. Điều này không mang lại điều gì tốt đẹp cho kẻ thù của Nga”, Naval News nhấn mạnh.

Điều thú vị là: người ta vẫn nói với nhau rằng “Belgorod” trước hết là thứ vũ khí răn đe chiến lược và rất có thể Nga muốn đưa ra tín hiệu của NATO rằng trong thời gian trung hạn, các ICBM của họ có thể bị giảm bớt giá trị bởi các công nghệ phòng thủ tên lửa mới.

Và nói chung, cuộc thử nghiệm trên biển bắt đầu ngay sau khi tàu khu trục Anh vừa có những hành động mon men đến vùng lãnh hải Crimea của Nga được xem như là một thông điệp gửi tới Washington và London rằng "Hãy liệu hồn, chớ có dại mà đụng vào Nga!"

NguynQuang (Theo “Bình luận quân sự” Nga)