Ngành Tài chính: Trách nhiệm và sẻ chia, cùng đất nước bước vào vận hội mới

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

BẢN LĨNH, TRÍ TUỆ, CÙNG CẢ NƯỚC VƯỢT KHÓ ĐI LÊN

Dịch Covid-19 như cơn lốc dữ để lại rất nhiều những vết tích hằn sâu trên con đường nó đi qua. Nhưng khó khăn chính là phép thử, làm tôi luyện thêm bản lĩnh, khí phách, tinh thần và trí tuệ Việt Nam. Như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là những điều cảm nhận lớn nhất đối với một năm như 2023 chúng ta vừa trải qua - Bộ trưởng ồ Đức Phớc chia sẻ.

Khiêm nhường khi nói về ngành Tài chính, nhưng trước câu hỏi của chúng tôi về một năm nhìn lại những “việc làm được”, người đứng đầu ngành Tài chính chợt dừng lại như ngẫm ngợi, chiêm nghiệm về những công việc bộn bề, thách thức của năm qua…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

ộ Tài chính là cơ quan “gác cửa” cho Chính phủ trong tham mưu điều hành, quản lý chính sách tài khóa, đặc biệt là chi tiêu ngân sách. Cùng với đó, phải đảm bảo giữ vững an toàn nợ công, giảm bội chi, nhằm giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Chúng tôi nhận thấy, nhiệm vụ của ngành Tài chính đứng trước nhiều thử thách, bởi từ khi có dịch bệnh Covid-19 sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, chi tiêu ngân sách tăng lên, rồi độ trễ của nó đã tác động sâu đậm tới toàn bộ kinh tế - xã hội của nước ta.

2023 là năm nền kinh tế quốc tế và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được giao, góp phần tích cực vào phục hồi nền kinh tế đất nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Sở dĩ, chúng ta có nguồn lực thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa 347 nghìn tỷ đồng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhờ đã điều hành hiệu quả, thành công tài khóa và nợ công. Các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế trong mấy năm qua lớn chưa từng có, là một trong nền tảng để thúc đẩy phát triển nội lực nền kinh tế đất nước.

Điểm sáng tiếp theo phải kể đến là quản lý chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có hiệu quả, mà nổi bật là kết quả thu NSNN. 2023 là năm đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, ngay từ đầu năm, toàn ngành Tài chính đã khẩn trương vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm thu đúng, thu đủ về NSNN. Kết quả thu NSNN năm 2023 đã vượt 8,12% dự toán.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội giãn, giảm thuế, phí và lệ phí 193,4 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là năm thứ 3 kể từ khi có dịch, ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN, số thu luôn đạt và vượt dự toán được giao và cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh vẫn triển khai các gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, người dân.

Trong khó khăn, chúng ta thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời ngành Tài chính vẫn thu vượt dự toán được giao. Đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành Tài chính, đặc biệt là cơ quan thuế đã có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá. Cơ quan hải quan đã có nhiều thành tích trong công tác chống buôn lậu, thu NSNN, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (bên phải hàng đầu) trong chuyến đi trao nhà Đại đoàn kết tại huyện Mường Áng, tỉnh Điện Biên (tháng 1/2024).

Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã giảm chi 10% khi giao dự toán đầu năm, chỉ đạo quản lý ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung phát triển thị trường tài chính lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đã khởi sắc sau một giai đoạn khó khăn. Chỉ số tín nhiệm quốc gia nâng cao từ BB lên BB+ “Triển vọng và ổn định”.

Quản lý nợ công cũng là một thành công của ngành Tài chính, cuối năm 2023, nợ công đạt 37% GDP, nợ chính phủ khoảng 34% GDP. Nghĩa vụ trả nợ 19% trên tổng thu NSNN. Huy động trái phiếu chính phủ thời gian dài 12,54 năm, lãi suất 3,21% năm, số lượng phát hành đạt 78% so với kế hoạch.

2023 cũng đánh dấu là năm thành công trong hợp tác tài chính đối ngoại. Bộ Tài chính có các đoàn công tác, gặp gỡ các nhà đầu tư tại Bỉ, Luxembourg và Hoa Kỳ, thúc đẩy gắn kết, nâng tầm kết nối đầu tư tài chính vào Việt Nam của các nhà đầu tư.

Ngành Tài chính năm qua đã hoàn thành xuất sắc mọi mặt công tác mà tôi không thể nhắc hết ở đây, nhưng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm”.

Chúng tôi vui mừng vì trong “điểm nổi bật” mà Tổng Bí thư đề cập đến, ngành Tài chính có đóng góp tích cực khi chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều chính sách hiệu quả, góp phần vào hỗ trợ phục hồi kinh tế đất nước.q

ĐOÀN KẾT, SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

“Những quyết sách chưa có trong tiền lệ”, “quyết sách hợp lòng dân”, “khoan thư sức dân mà vẫn đảm bảo cân đối ngân sách, Bộ Tài chính đã phải rất nỗ lực trong điều hành”..., là những điều được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.

Đối với ngành Tài chính, thực tế đã chứng minh, chính sách tài khóa chủ động, sáng tạo, linh hoạt được triển khai cho thấy bản lĩnh của những người làm công tác Tài chính, trong đó phải đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính, người đứng đầu - cá nhân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và sự chung sức, đồng lòng của toàn ngành Tài chính.

Thời điểm Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính là thời kỳ khó khăn, khi mà chính sách tài khóa luôn phải gồng gánh là trụ cột cho nền kinh tế. Trong suốt 3 năm qua cũng là ngần ấy thời gian cả nước phải căng mình chống dịch và giải quyết những hậu quả để lại. Cũng chừng ấy thời gian, ngành Tài chính triển khai một loạt các chính sách hỗ trợ với số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vấn đề là giải được bài toán là lấy đâu ra nguồn để thực hiện cũng như đảm bảo nguồn thu khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang chật vật.

Như lời đánh giá của giới chuyên gia, trong điều hành chính sách tài khóa, Chính phủ và Bộ Tài chính đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, không nóng vội, với năng lực điều hành linh hoạt, nhạy bén, trong chính sách và quyết liệt hành động. Ngành Tài chính đã duy trì “chính sách tài khóa khôn khéo” để đạt đa mục tiêu.

TBTCVN: Điều gì khiến Bộ trưởng thấy ấn tượng nhất trong những “việc làm được”, như Bộ trưởng vừa chia sẻ?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Điều gì ấn tượng nhất trong năm qua ư, tôi có thể trả lời ngay đó là tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới và giải pháp “khoan sức dân”.

Năm 1.300, tức là cách đây 723 năm, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất hai tháng, đã tâu với Vua Trần Anh Tông, rằng: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Tự cổ chí kim, các bậc vĩ nhân đều cảm thông với nỗi cực nhọc của nhân dân mà chủ trương “khoan thư sức dân” cả trong thời chiến, thời bình.

Trước những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương sát sao vào cuộc, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản tham mưu cho Chính phủ, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các công cụ khác, vừa khắc phục những cơn “địa chấn” khi dịch bệnh để lại, vừa phát triển kinh tế.

Những chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí được thực hiện ngay từ năm 2020, nhưng gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất phải kể để năm 2022 được bắt đầu với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Các chính sách hỗ trợ của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, với tổng gói hỗ trợ 4 năm qua lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn, yêu cầu đặt ra là giảm thuế hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thu ngân sách phải đảm bảo đạt dự toán được giao để đủ nguồn chi đảm bảo mục tiêu kế hoạch tăng thêm như xây dựng đường cao tốc, sân bay,... an sinh xã hội. Điều đó đòi hỏi ngành Tài chính phải đổi mới phương pháp, sáng tạo, quyết liệt hành động.

Ngành Tài chính đã chủ động kịp thời triển khai loạt giải pháp nhằm tăng thu NSNN, như: triển khai hóa đơn điện tử, quay hóa đơn điện tử may mắn, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; kết nối liên thông dữ liệu dân cư trong hoạt động tài chính; tăng thu qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; chuyển nhượng bất động sản một giá; chống gian lận hoàn thuế, chống phát hành hóa đơn giả...

Dù giảm thuế, phí tác động trực tiếp tới nguồn thu NSNN, nhưng chúng tôi luôn thấy nhẹ lòng và rất tự hào vì đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các gói hỗ trợ tài khóa đi nhanh vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp doanh nghiệp tích lũy vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách.

Nhìn thấy hàng trăm km đường cao tốc hoàn thiện, hàng ngàn cây cầu, công trình hạ tầng đưa vào sử dụng, chúng tôi rất phấn khởi vì đã góp sức mình cho sự phát triển của đất nước.q

KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH - XÂY DỰNG NỀN TÀI CHÍNH VỮNG MẠNH

TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, những khó khăn trong năm 2024 là rất khó đoán định, trong khi nhiệm vụ được giao cho ngành Tài chính khá nặng nề. Vậy Bộ trưởng và ngành Tài chính sẽ bắt tay vào thực hiện như thế nào trong năm tới này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Dự báo năm 2024 còn rất nhiều khó khăn đến từ cả trong và ngoài nước. Năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm thứ tư thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - NSNN của nhiệm kỳ.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi toàn ngành Tài chính phải chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xử lý tốt các vấn đề phát sinh, tận dụng mọi thời cơ, động lực để phát triển. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Vấn đề đầu tiên là phải hoàn thành nhiệm vụ tài chính hiệu quả, phát triển thị trường tài chính lành mạnh và tiếp tục tháo gỡ khó khăn để sản xuất kinh doanh phát triển.

Vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khóa chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn. Vấn đề cơ bản là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Ngay từ cuối năm 2023, nhận thấy tình hình còn khó khăn, chúng tôi đã kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nối dài các chính sách hỗ trợ trong năm 2024. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”. Ngành Tài chính luôn giữ vững truyền thống đoàn kết và sáng tạo đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm mới Xuân Giáp Thìn 2024, xin chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính nước nhà sức khỏe tốt, đoàn kết tốt, hạnh phúc và luôn thành đạt, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho sự phát triển của đất nước.

TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

…Chúng tôi hiểu rằng, những thành quả hôm nay của ngành Tài chính không phải tự dưng có được, mà phải đánh đổi bằng công sức, trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của biết bao con người trong ngành Tài chính đang cống hiến âm thầm, từ những cán bộ thuế, hải quan, kho bạc, dự trữ ở những thành phố lớn sôi động hay ở các cửa khẩu xa xôi.

Trong thành công chung đó, không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, người luôn thể hiện cái Tâm, cái Tầm của vị “thủ lĩnh” ngành, với những chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt, là những gợi mở, là đường hướng mang theo những khát vọng của cả ngành Tài chính.

Mùa Xuân mới đang đến với mọi nhà. Xin kính chúc Bộ trưởng Hồ Đức Phớc năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục dẫn dắt đưa ngành Tài chính vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách, góp phần tích cực vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Thẳng thắn, trách nhiệm, chủ động trong thực thi nhiệm vụ

“Bản lĩnh, dũng cảm và dám đương đầu với khó khăn”, “Bộ trưởng Bộ Tài chính là người đi từ thực tiễn và nắm khá chắc các vấn đề quản lý về tài chính, ông không né tránh mà thẳng thắn, trách nhiệm”, “Bộ trưởng đã thẳng thắn trước tình hình trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có những tồn tại, nhưng khi thấy rồi, đã hành động và hành động rất quyết liệt”… Đó là những đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế khi nói về trách nhiệm điều hành của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Trò chuyện với phóng viên TBTCVN, có đại biểu Quốc hội cho biết: “Tôi rất chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bộ trưởng rất thẳng thắn và lo lắng cho ngân sách. Khi thu ngân sách sụt giảm, cộng với việc phải chi ra số lượng tiền rất lớn hỗ trợ về thuế, mới thấy hết được nỗ lực của ngành Tài chính. Bộ trưởng rất chủ động, trách nhiệm. Sự điều hành, tinh thần trách nhiệm của vị “Tư lệnh” ngành Tài chính và sự nỗ lực của toàn ngành, nhất là cơ quan thuế, hải quan, chứng khoán, kho bạc, dự trữ đã góp phần vào thành công của ngành Tài chính”.

Không phải ngẫu nhiên mà cá nhân Bộ trưởng và ngành Tài chính được đánh giá cao. Trước những thử thách, Bộ Tài chính luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động trong thực thi nhiệm vụ, các cán bộ, công chức không quản khó khăn, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiều đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã làm việc không kể ngày đêm, như trong vòng một đêm đã hoàn thành dự thảo quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành sau đúng 17 ngày khi có Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Hay như trong năm 2023 vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn thành 43/61 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 15 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình điều hành, trong đó có nhiều quyết sách rất quan trọng”

Minh Anh