Nghệ sĩ sân khấu loay hoay trong nghịch cảnh Covid-19

Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam tập luyện vở diễn Những người khốn khổ. (Ảnh: Kim Nguyen)

Đời sống “cơm, áo, gạo tiền’ của các nghệ sĩ sân khấu từ lâu đã là câu chuyện được ngành văn hóa và xã hội quan tâm. Những năm gần đây, các nhà hát đã nỗ lực thay đổi hoạt động cũng như tìm hướng mới để cải thiện đời sống anh chị em nghệ sĩ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài trong suốt hai năm qua đã tạo thêm áp lực lớn cho các nhà hát tại Việt Nam.

Có thể thấy, dù các sân khấu đã đóng cửa từ cuối tháng Tư nhưng lãnh đạo các nhà hát vẫn duy trì tổ chức cho các nghệ sĩ tập luyện, dựng vở mới để chuẩn bị cho sự trở lại sau khi dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, khi dịch tiếp tục bùng phát mạnh, hoạt động tập luyện tại các nhà hát phải ngừng lại hoàn toàn.

Nghệ sĩ có bỏ nghề?

Tháng Năm vừa qua, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam ra thông báo hoãn lưu diễn vở nhạc kịch Những người khốn khổ tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và thành phố Hồ Chí Minh để phòng chống dịch Covid-19. Điều đáng tiếc là công tác chuẩn bị cho vở nhạc kịch được mua bản quyền từ nước ngoài đã xong tới 80% như vé máy bay, điều kiện ăn ở, sân khấu biểu diễn.

Chia sẻ về việc hoãn chuyến lưu diễn, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, ngậm ngùi: “Nhà hát đã mất rất nhiều công sức chuẩn bị cho chuyến lưu diễn mang tính lịch sử này. Vở nhạc kịch Những người khốn khổ đã được công chúng trong cả nước nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, trông đợi từ rất lâu. Lượng vé bán được cũng rất tiềm năng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, với mong muốn cùng chung tay với Chính phủ và cộng đồng, chúng tôi quyết định dời lịch diễn sang một thời điểm hợp lý”.

Nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chưa đầy hai năm, phần lớn thời gian NSND Triệu Trung Kiên phải đối diện với trở ngại to lớn của dịch Covid-19. Sân khấu cải lương vốn kén người xem và theo như ông chia sẻ, nếu tình hình còn tiếp diễn thì kinh phí của nhà hát chỉ còn đủ để nuôi nghệ sỹ trong vòng chín tháng tới.

Tình cảnh của Nhà hát Chèo Việt Nam cũng không khá khẩm hơn. Theo kế hoạch đầu năm, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ dựng tám chương trình để bảo tồn nghệ thuật chèo, ghi hình bảy chương trình cho truyền hình, ngoài ra còn tổ chức ghi âm các làn điệu chèo cổ do các nghệ nhân trình bày. Nhưng hiện nay, kế hoạch đang bỏ dở.

Trước tình trạng này, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng như nhiều lãnh đạo nhà hát khác đã bày tỏ nỗi lo mất nguồn lực vì các nghệ sĩ sẽ bỏ nghề đi làm việc khác để mưu sinh, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ không nằm trong biên chế.

Theo ông, hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam ký hợp đồng lao động với 60 diễn viên trẻ bằng nguồn tự thu của đơn vị. Họ là lực lượng nòng cốt, nhân tố chủ lực để tạo nên sức bật cũng như sức sống mới cho các tiết mục và chương trình biểu diễn.

Ngay cả nghệ sĩ được hưởng biên chế cũng có thu nhập rất thấp, điển hình là diễn viên chèo và tuồng. Được biết, hai bộ môn này chỉ đào tạo ở hệ trung cấp nên khi ra trường, lương của họ chưa đến 3 triệu đồng/tháng.

Các nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đi thiện nguyện tại tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Loay hoay gỡ khó

Không thể phủ nhận tác động của dịch Covid-19 là khách quan, nhưng trước khó khăn nan giản này, lãnh đạo các nhà hát và đại diện cơ quan quản lý nhà nước cần phải ngồi lại để tìm hướng đi mới cho nghệ thuật sân khấu.

Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ cho 12 nhà hát trực thuộc Bộ dựng vở và tổ chức các buổi biểu diễn nhằm thu hút khán giả trở lại sân khấu. Năm nay, các nghệ sĩ đều mong mỏi có sự tương trợ như vậy từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, để tìm hướng phát triển cho nghệ thuật sân khấu này, các nhà hát và nghệ sĩ cũng cần đến sự hỗ trợ tạm thời, miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp biểu diễn, phát triển nhà hát online.

Tuy nhiên, trước khi nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, các nhà hát cũng phải tìm cho mình con đường mới để có thể sống chung với dịch bệnh. Điển hình là Nhà hát Kịch Việt Nam đang xây dựng hai kênh truyền thông mới là TikTok và YouTube. Qua đây, khán giả sẽ được theo dõi các chương trình có nội dung giải trí, các hoạt động của nhà hát và những buổi luyện tập của nghệ sĩ, những câu chuyện hậu trường. Không chỉ vậy, Nhà hát Kịch Việt Nam còn trợ cấp cho các nghệ sĩ khoản tiền 1,5-2 triệu đồng/tháng tùy hoàn cảnh để động viện họ không bỏ nghề.

Về phía các cơ quan quản lý văn hóa, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cho biết lãnh đạo Bộ đang bàn bạc để tìm giải pháp cụ thể rồi sẽ tiến hành họp với các nhà hát. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề xuất các nhà hát có thể hợp tác với các đài truyền hình, tổ chức ghi hình một số vở diễn chất lượng để phát sóng phục vụ khán giả tại nhà, như vậy các nghệ sỹ vẫn sẽ được diễn và có thu nhập.

"Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, các nhà hát cũng phải tìm cho mình con đường mới để có thể sống chung với dịch bệnh. Điển hình là Nhà hát Kịch Việt Nam đang xây dựng hai kênh truyền thông mới là TikTok và YouTube. Qua đây, khán giả sẽ được theo dõi các chương trình có nội dung giải trí, các hoạt động của nhà hát và những buổi luyện tập của nghệ sĩ, những câu chuyện hậu trường".

Hướng về tâm dịch

Khó khăn là vậy nhưng các nghệ sĩ sân khấu vẫn cùng hướng về tâm dịch để sát cánh cùng Nhà nước, Chính phủ và các địa phương trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. Không chỉ đóng góp vào quỹ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay các tổ chức thiện nguyện, nhiều nghệ sĩ còn đến tận các địa phương là tâm dịch để trao quà, chia sẻ khó khăn với các địa phương.

Nổi bật nhất là mới đây, NSND Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phát động đợt quyên góp từ thiện hướng về tâm dịch Kinh Bắc. Chỉ trong vòng năm ngày, lời kêu gọi của bà đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nghệ sỹ, tác giả và những người bạn gửi tới lực lượng tuyến đầu và nhân dân vùng tâm dịch.

Với 350 triệu đồng tiền mặt quyên góp cùng với một xe tải, năm xe bán tải chở đầy hàng hóa thiết yếu, đích thân NSND Thúy Mùi, NSND Thúy Hường, NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc... cùng một số bạn bè đã lên đường đến tâm dịch Bắc Ninh - Bắc Giang để chuyển trực tiếp quà và tiền ủng hộ cho y bác sỹ và các tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã rất cảm động trước sự hưởng ứng của văn nghệ sỹ để chia sẻ bớt những khó khăn chung tay với nhân dân vùng tâm dịch và các chiến sỹ, y bác sỹ đang vật lộn với công tác tầm soát, dập dịch bệnh đem sự bình yên cho mỗi chúng ta.

Đặc biệt, tấm lòng đó càng cao quý hơn khi đời sống nghệ sĩ sân khấu nói chung hết sức khó khăn, bồi dưỡng mỗi show diễn của nghệ sỹ sân khấu là 100 – 200 nghìn đồng, thậm chí có nơi chỉ có 50 nghìn và hai năm qua gần như không có thu nhập. Nghệ sĩ trong đơn vị công lập còn có lương nhưng những đơn vị xã hội hóa có khả năng không thể hoạt động. Thế nhưng, họ không lấy đó làm lý do để thờ ơ và bỏ mặc khó khăn đang cận kề đồng bào mình trong vùng tâm dịch.

Được biết, các nghệ sĩ vẫn đang tiếp tục phát động đợt quyên góp mới để đến với tỉnh Điện Biên đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

NSND Thúy Mùi chia sẻ: “Tôi tin và cảm nhận được những tình cảm lớn lao, những tình thương trong sáng, những tấm lòng nhân ái và trách nhiệm rất đáng trân trọng của những người nghệ sĩ với cộng đồng xã hội, sẽ mang một ý nghĩa giá trị nhân văn lớn lao. Đặc biệt, đây sẽ là nguồn động viên tinh thần rất cần thiết cho người dân cán bộ y tế, cán bộ chiến sỹ tuyến đầu lúc này”.

HÀ ANH