Nghị sĩ 73 tuổi học lại đại học vì muốn tìm hiểu về AI

Don Beyer không phải là sinh viên bình thường tại Đại học George Mason. Ông là nhà lập pháp hàng đầu về chính sách tại Quốc hội Mỹ, đã 73 tuổi và thích ghi chép vào một cuốn sổ hơn là máy tính xách tay.

Đảng viên Đảng Dân chủ ở bang Virginia này nhận thấy AI rất hấp dẫn và quyết định đăng ký tham gia các lớp khoa học máy tính tại Đại học George Mason, bắt đầu với các lớp học tiên quyết giúp ông đạt được bằng thạc sĩ về học máy.

Nghị sĩ Don Beyer. Ảnh: AP

Trong thời đại mà các nhà lập pháp và thẩm phán Tòa án Tối cao ỹ đôi khi thừa nhận không hiểu công nghệ mới nổi, hành trình của ông Beyer nêu bật nỗ lực rộng lớn của các thành viên Quốc hội Mỹ trong việc tự học về AI.

AI được coi là một công nghệ mới có thể thay đổi thế giới. Nhiệm vụ của các thành viên Quốc hội Mỹ là tìm ra cách quản lý AI theo hướng khuyến khích những lợi ích tiềm năng đồng thời giảm thiểu những rủi ro tồi tệ nhất. Trước tiên, họ phải hiểu bản chất của AI.

"Tôi có xu hướng lạc quan về AI", ông Beyer nói với hãng tin AP sau ca học buổi chiều gần đây tại khuôn viên Đại học George Mason. "Chúng ta không thể biết được cuộc sống sẽ thay đổi thế nào sau 5, 10, 20 năm nữa nhờ AI... Có những rủi ro sâu sắc mà chúng ta cần chú ý tới".

Những rủi ro này bao gồm thất nghiệp hàng loạt trong các ngành lỗi thời bởi AI; hình ảnh, video và âm thanh giả mạo bị lợi dụng để đưa tin sai lệch về chính trị hoặc để lừa đảo, bóc lột tình dục...

Tuy nhiên, những quy định khắt khe về AI có thể cản trở sự đổi mới và phát triển của công nghệ này, khiến Mỹ gặp bất lợi khi các quốc gia khác tìm cách khai thác sức mạnh của AI.

Để quy định được cân bằng, cần có ý kiến đóng góp không chỉ từ các công ty công nghệ mà còn từ các nhà phê bình trong ngành, cũng như từ các ngành mà AI có thể biến đổi. Điều quan trọng là các nhà lập pháp phải có hiểu biết rõ ràng về công nghệ này.

Beyer cho biết cả cuộc đời ông có niềm đam mê với máy tính. Khi AI nổi lên như một hiện tượng, ông muốn tìm hiểu nhiều hơn. Hầu hết tất cả các bạn học đều trẻ hơn ông hàng chục tuổi và không hề bối rối khi phát hiện ra bạn cùng lớp của mình là một nghị sĩ, một thành viên của Hạ viện Mỹ.

Các buổi học của ông Beyer đã mang lại hiệu quả. Ông đã tìm hiểu về sự phát triển của AI cũng như những thách thức mà lĩnh vực này phải đối mặt. Các bài học đã giúp ông hiểu được những thách thức cũng như khả năng của AI trong việc cải thiện chẩn đoán ung thư và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.

Beyer cũng đang học cách viết code (mã máy tính). "Tôi thấy việc học viết code, tức là suy nghĩ theo từng thuật toán, đang giúp tôi thay đổi suy nghĩ về rất nhiều thứ khác như cách sắp xếp văn phòng, cách làm việc một phần của pháp luật", Beyer nói.

Ông cũng học được rằng một sai sót nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn đến code như thế nào. "Bạn mắc những sai lầm lớn, rồi lại mắc những lỗi nhỏ ngu ngốc mà phải mất hàng giờ mới tìm ra được. Và bạn nhận ra rằng bất kỳ công nghệ nào cũng không hoàn hảo", ông nói. "Điều đó thúc đẩy rất nhiều nỗ lực chống lại những rủi ro bất lợi của AI".

Beyer là thành viên của hầu hết các nhóm nhà lập pháp Hạ viện Mỹ làm việc về AI. Ông là Phó Chủ tịch của Nhóm Trí tuệ Nhân tạo của Quốc hội Mỹ và một nhóm làm việc về AI mới được thành lập bởi Liên minh Dân chủ Mới.

Ông cũng là thành viên trong nhóm làm việc về AI của cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Về mặt lập pháp, ông là người đi đầu trong dự luật mở rộng quyền truy cập vào các công cụ tính toán mạnh mẽ cần thiết để phát triển AI.

Theo Chris Pierson, CEO của công ty an ninh mạng BlackCloak, mặc dù không cần phải có bằng khoa học máy tính nhưng các nhà lập pháp bắt buộc phải hiểu được ý nghĩa của AI đối với nền kinh tế, quốc phòng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, quyền riêng tư cá nhân và quyền sở hữu trí tuệ. Pierson nói: "AI tốt hay xấu tùy thuộc vào cách sử dụng".

Hoài Phương (theo AP, CNBC)