Nghịch lý sau điều chỉnh, lương của công nhân môi trường giảm mạnh

Lương cơ bản tăng, thu nhậpgiảm

Cụ thể, tại mục 5, phần B văn bản số 5650/STC-QLG ngày 29/9/2023 của Sở Tài chính, liên ngành thống nhất mức lương cơ sở bằng theo đề xuất của Sở TN&MT cập nhật là 1,8 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023. Đồng thời, liên ngành thống nhất đề nghị của Sở TN&MT căn cứ nguyên tắc xác định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương bằng mức lương tối thiểu vùng của lao động đã qua đào tạo : (chia) mức lương cơ bản của nhân công tính theo bậc bình quân”.

Bảng so sánh hệ số đảm bảo thu nhập tại Hà Nội.

Theo chuyên gia kinh tế cũng như những người trực tiếp gắn bó với nghề VSMT, việc xác định hệ số điều chỉnh tăng thêm của Sở Tài chính là chưa hợp lý, khi tiếp tục đi ngược lại chủ trương tăng lương để đảm bảo cuộc sống của người lao động.

Cụ thể, đại diện lãnh đạo một số đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn thành phố cho hay, tại Quyết định 453/QĐ-MTĐT ngày 21/1/2021 áp dụng hệ số tăng thêm tiền lương là 1,5 thì mức lương bình quân của người lao động trực tiếp trong lĩnh vực VSMT tại Hà Nội là 5.162.850 đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập thấp hơn 17,26% so với mức lương bình quân được công bố tại Quyết định 820/QĐ-UBND ngày 20/2/2020 về việc công bố giá nhân công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội (mức lương bình quân công bố là 6.240.145 đồng/người/tháng) - không đảm bảo thu nhập cho người lao động sinh sống tại khu vực đô thị loại đặc biệt.

Trong khi đó, theo Điều 4, Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH ngày 6/11/2019 của Bộ LĐTB&XH quy định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương không vượt quá 1,2 đối với địa bàn thuộc vùng I (tương đương hệ số là 2,2); không quá hệ số 0,9 đối với vùng II (tương đương 1,9); không quá hệ số 0,7 đối với vùng III (tương đương 1,7); không quá 0,5 đối với vùng IV (tương đương 1,5). Địa bàn thuộc vùng I, II, III, IV được thực hiện theo địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Lương của công nhân vệ sinh môi trường ngày càng giảm trong chục năm trở lại đây. Ảnh minh họa.

Như vậy, nếu áp dụng hệ số điểu chỉnh tăng thêm tiền lương là 1,2 (theo Công văn số 5650/STC-QLG ngày 29/9/2023 của Sở Tài chính) thì tiền lương của người lao động đang là 5.162.850 đồng/tháng (Quyết định 453/QĐ-UBND ngày 21/2/2021) bị giảm xuống còn là 4.989.600 đồng/tháng (theo Công văn số 5650/STC-QLG ngày 29/9/2023) là chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là mục đích của tăng lương cơ sở là tăng thu nhập người lao động để họ có thể sống được bằng lương và chăm lo cho gia đình bằng tiền lương - thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức.

Cần điều chỉnh để người lao động yên tâm công tác

Liên quan đến mức đề xuất điều chỉnh tăng thêm tiền lương mà Sở Tài chính vừa văn bản thống nhất với Sở TN&MT, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một số công nhân – những người đã có hàng chục năm, thậm chí gần cả nửa cuộc đời gắn bó với nghề VSMT không khỏi lo lắng cho biết, chất lượng VSMT của thành phố ngày càng cao nhưng không hiểu vì sao lương của người lao động lại ngày càng giảm.

Công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên phải đối mặt với những yếu tố độc hại và nguy cơ tai nạn lao động.

“Công tác duy trì VSMT trên địa bàn chủ yếu trong môi trường độc hại. Thời gian làm việc luân phiên 24/24 giờ trong ngày, tập trung nhiều nhất là làm vào ban đêm, địa bàn làm việc chủ yếu là trên các đường phố, thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố độc hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, TNGT… Do đó, đề nghị các đơn vị chức năng nghiên cứu, đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống của những công nhân vệ sinh môi trường” – một công nhân VSMT trong khu vực nội thành cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Thiện Lộc – Chủ tịch HĐQT HTX Thành Công cho biết, cách đây khoảng chục năm, độ tuổi trung bình của các công nhân lần đầu tuyển dụng vào đơn vị dao động khoảng 20 – 22 tuổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, độ tuổi trên đã dao động ở mức trên dưới 45 tuổi… nhưng cũng rất khó khăn để tuyển dụng được, do thu nhập không tương xứng với những vất vả, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, các đơn vi chức năng với ngành nghề này.

Nhiều người lo lắng, nếu không có sự điều chỉnh thì chỉ vài năm nữa ngành vệ sinh môi trường sẽ không có đủ nhân lực để duy trì hoạt động.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn Tthành phố cho biết, hiện nay, hầu hết các đơn vị đều đang rơi vào tình trạng thiếu công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường.

“So với các ngành nghề khác như bảo vệ, giúp việc… nghề VSMT vất vả hơn nhiều nhưng thu nhập lại ít hơn khá nhiều. Do đó, để đảm bảo cuộc sống, nhiều công nhân đã buộc phải nghỉ việc. Và cũng do thu nhập thấp nên công tác tuyển dụng mới, thay thế công nhân nghỉ việc của các đơn vị duy trì VSMT gặp rất nhiều khó khăn” – đại diện lãnh đạo một đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn TP cho biết..

Vân Nhi