Ngoại giao trục xuất - con dao hai lưỡi

Làn sóng trục xuất nhắm vào Nga

Với đội ngũ hơn 100 nhân viên, Đại sứ quán Nga tại Praha là một trong những đại sứ quán lớn nhất của nước này ở châu Âu. Chính phủ Nga đã ngay lập tức đáp trả bằng việc trục xuất 20 nhà ngoại giao của Cộng hòa Séc, làm tê liệt hoạt động của đại sứ quán có quy mô nhỏ hơn nhiều của nước này tại Nga. Do có sự chênh lệch về số lượng nhân viên ngoại giao tại mỗi đại sứ quán (Nga vẫn còn 94 nhân viên ngoại giao tại Praha sau các vụ trục xuất trước đó), nên Chính phủ Cộng hòa Séc đã đề nghị Nga cho phép một số nhân viên ngoại giao của họ ở lại.

Khi Moscow cự tuyệt yêu cầu này, Praha buộc phải giảm quy mô Đại sứ quán Nga tại Praha về mức tương đương với Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Moscow bằng cách yêu cầu hơn 60 nhân viên ngoại giao Nga rời khỏi nước này cuối tháng 5 vừa qua. Để thể hiện tình đoàn kết với Cộng hòa Séc, một số quốc gia Trung Âu và Baltic thuộc NATO cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jakub Kulhanek họp báo tại cung điện Cernin, Praha về vụ việc.

Đại sứ quán được thừa nhận rộng rãi là nơi các nhân viên tình báo hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao và sự hiện diện của họ thường được chấp nhận cho đến khi họ tham gia các hoạt động bất hợp pháp và bị nước sở tại kiên quyết trục xuất. Vì các lệnh trục xuất nhìn chung sẽ dẫn tới hành động đáp trả bằng các biện pháp chống trục xuất mà có thể tác động tiêu cực đến các hoạt động và cơ quan của chính họ, nên các chính phủ thường thận trọng khi trục xuất nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán.

Mặc dù việc áp dụng “ngoại giao trục xuất” trong quản lý nhà nước đã có từ lâu và đôi khi diễn ra trong một thời gian dài nhưng công cụ này thường được sử dụng một cách hạn chế và âm thầm, đặc biệt vào đầu những năm 2000. Nếu một nhà ngoại giao bị chính phủ nước sở tại bắt khi đang tham gia hoạt động gián điệp và bị trục xuất mà không gây sự chú ý của truyền thông, không kéo theo các vụ trục xuất vì tình đoàn kết, không gây tổn hại cho quan hệ song phương và không kích động hành vi trả đũa theo kiểu ‘’ăn miếng trả miếng” thì điều đó không đáng phải lưu tâm.

Thế nhưng, số vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua và điều đáng chú ý là một vài vụ trong số đó lại xảy ra ở các quốc gia NATO có mối quan hệ sâu sắc về văn hóa, tôn giáo và lịch sử với Nga. Theo Điều 9 Công ước Vienna của Liên Hợp quốc về quan hệ ngoại giao năm 1961, các nước sở tại có thể tuyên bố thành viên của một phái đoàn ngoại giao là nhân vật không được chấp thuận hoặc không được hoan nghênh vào bất cứ thời điểm nào mà không cần phải giải thích quyết định của mình. Giờ đây, “ngoại giao trục xuất” dường như vừa là hoạt động công vu, vừa là biện pháp trừng phạt.

Con dao hai lưỡi

Về cơ bản, mặc dù việc trục xuất các nhà ngoại giao không làm giảm đáng kể ảnh hưởng kinh tế và chính trị của một nước nhưng lại có thể thu hẹp phần nào hoạt động thu thập tin tức tình báo và mạng lưới ảnh hưởng của nước đó nếu biện pháp này được thực hiện một cách hiệu quả. Chiến dịch Foot của Anh trong Chiến tranh Lạnh trước đây là một ví dụ. Một mạng lưới gián điệp của Liên Xô (cũ) ở Anh được cho là đã bị phá hủy khi Anh trục xuất 105 nhà ngoại giao Liên Xô vào năm 1971. Theo Cơ quan an ninh - phản gián Anh (MI5), chiến dịch này đã giáng một đòn nặng nề và buộc KGB khi ấy phải dựa vào các cơ quan ở các địa điểm khác để thu thập thông tin tình báo.

Mặc dù các nhân viên tình báo không phải là nhà ngoại giao nhưng trong môi trường căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây, công cụ “ngoại giao trục xuất” lại đang có xu hướng giảm tác dụng. Sau đợt trừng phạt mới nhất của Nga và vụ Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào tháng 4-2021, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã công bố các biện pháp bổ sung của Moscow đối với các vụ trục xuất theo kiểu ăn miếng trả miếng.

Tháng 5-2021, Điện Kremlin tuyên bố Mỹ là một quốc gia không thân thiện và do đó cấm Đại sứ quán Mỹ thuê nhân viên người Nga tại địa phương. Ngày 2-6, Chính phủ Nga ra tín hiệu sẽ chấm dứt thỏa thuận “các vùng đất mở” năm 1992, vốn cho phép các nhà ngoại giao Mỹ và Nga tự do đi lại ở mỗi nước và khôi phục quy định hạn chế đi lại vì mục đích ngoại giao từng được áp dụng trong Chiến tranh Lạnh.

Hậu quả lớn nhất của các chính sách này đã buộc Đại sứ quán Mỹ ở Nga phải cắt giảm các dịch vụ tới mức chỉ duy trì các dịch vụ khẩn cấp dành cho công dân Mỹ và dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh trong các trường hợp mang tính sống còn. Khi các nhân viên ngoại giao Mỹ không được cấp thị thực mới để vào lại Nga, Mỹ buộc phải đóng cửa các lãnh sự quán và hạn chế đáng kể các dịch vụ lãnh sự tại đó. Hơn nữa, điều này đã gay khó khăn rất lớn cho các công dân Nga trong việc xin thị thực của Mỹ, cũng như cho các nhà ngoại giao Mỹ trong việc báo cáo tình hình tại Nga - điều này thậm chí còn được cho là mang lại thêm lợi thế chính trị cho Điện Kremlin vì nó xóa bỏ ảnh hưởng của phương Tây tại Nga.

Nói cách khác, nếu một bên lạm dụng “ngoại giao trục xuất” thì công cụ này tự nó sẽ mất tác dụng. Các kênh liên lạc bổ sung để tránh những tính toán sai lầm không còn nữa, đội ngũ nhân viên để cảnh báo sự cố hầu như không còn hoặc mất tác dụng. Sự hiểu lầm và những tính toán sai lầm ngày càng tăng khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden e rằng khó đạt được một mối quan hệ song phương ổn định, dễ đoán hơn với Nga.

Khi các vụ trục xuất ngoại giao ngày càng gia tăng, Mỹ sẽ mất khả năng liên lạc với Nga để hiểu rõ ý định của nước này. Đây có thể là một trong những kết quả mà Điện Kremlin tính đến nhưng nó có nguy cơ khiến cho mối quan hệ giữa phương Tây và Nga thêm bất ổn.

Huy Thông (Tổng hợp)