Người lao động Singapore bị vắt kiệt sức trong thời kỳ đại dịch

Theo Nikkei Asian Review, chán nản với công việc, anh Nick Ng - một luật sư Singapore 37 tuổi - đã rời một công ty dịch vụ tài chính hồi tháng 3, ngay cả khi chưa tìm được việc mới.

"Công nghệ ngày nay cho phép nhắn tin tức thì. Điều đó đã làm mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Tôi trở nên sợ hãi khi phải nhận những thông báo liên tục trên điện thoại của mình", anh Nick nhớ lại.

Anh thậm chí phải nhờ đến bác sĩ và chuyên gia tâm lý khi tình trạng tim đập nhanh và khó thở trở nên nghiêm trọng.

Trong thời kỳ đại dịch, người lao động ở châu Á và nhiều nơi trên thế giới luôn phải ở trạng thái sẵn sàng làm việc. Một số quốc gia đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế. Hàng loạt cư dân Malaysia treo cờ trắng để kêu cứu.

48% người lao động ở Anh và Singapore thừa nhận rằng không hài lòng với công việc và sẽ không giới thiệu công ty của họ cho người khác.

Áp lực đè nặng

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra những người lao động ở Singapore đang phải gánh chịu tổn thương nặng nề về mặt tinh thần và cảm xúc. Giới chuyên gia cảnh báo không nên coi thường tình trạng căng thẳng cá nhân khi đại dịch kéo dài.

Theo một cuộc khảo sát của công ty Employment Hero trên 5 thị trường lao động, bao gồm Singapore, Anh, Malaysia, New Zealand và Australia, người lao động ở Singapore và Anh kém hạnh phúc nhất.

48% người lao động ở hai quốc gia thừa nhận rằng không hài lòng với công việc và sẽ không giới thiệu công ty của họ cho người khác.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5/2021 với hơn 3.000 nhân viên ở 5 quốc gia. Tỷ lệ của Malaysia, New Zealand và Australia lần lượt là 42%, 41% và 40%.

"Áp lực tài chính, các đợt bùng dịch và những đợt phong tỏa đã gia tăng áp lực đối với người lao động Singapore", ông Ben Thompson, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Employment Hero, nhận định.

"Chúng tôi đã hỏi những người lao động Singapore rằng họ cần gì để giảm căng thẳng và cảm thấy vui vẻ hơn. Đa số (69%) cho biết muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống", ông nói thêm.

Một nghiên cứu khác chỉ ra những mối lo về sức khỏe tâm thần không chỉ ở Singapore, mà còn một số trung tâm kinh tế khác tại châu Á.

Hồi tháng 4, công ty dịch vụ y tế Mỹ Cigna đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 18.000 người ở các thị trường khác nhau. Chỉ số đo lường sức khỏe và hạnh phúc - dựa trên hoạt động xã hội, cuộc sống gia đình và công việc - của Singapore đã giảm xuống 59,2, tức dưới mức tiêu chuẩn toàn cầu 61,3.

Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong thậm chí xếp dưới Singapore. Ngược lại, Trung Quốc đạt 65,9. Indonesia và Thái Lan có điểm số lần lượt là 63,8 và 62,5. Ấn Độ cũng ở mức 73,2.

72% người được hỏi trên toàn cầu thừa nhận rằng sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. "Đại dịch khiến sức khỏe tâm thần được chú ý hơn. Ngày càng nhiều người tìm đến sự trợ giúp", bà Dawn Soo tại Cigna International Markets nhận xét.

Kiệt sức vì đại dịch

Trên khắp châu Á, kiệt sức và thậm chí "chết do làm việc quá sức" là những vấn đề lớn từ lâu trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến vấn đề này nhận được nhiều chú ý hơn.

Hồi tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia thành viên được khuyến khích "phát triển và tăng cường những dịch vụ sức khỏe tinh thần toàn diện và hỗ trợ tâm lý xã hội". Tổ chức nhấn mạnh rằng cần "tập trung vào nâng cao hiểu biết và chấp nhận những vấn đề về sức khỏe tâm thần, các đối tượng dễ tổn thương và sử dụng những công nghệ tiên tiến".

"Tập trung vào việc cải thiện sức khỏe là rất quan trọng nếu muốn vượt qua đại dịch. Chúng ta sẽ cần học cách chăm sóc bản thân và kiểm soát căng thẳng tốt hơn trước đây", bà Soo tại Cigna nhận xét.

Bà Soo khuyến nghị xây dựng các vòng kết nối xã hội, đồng thời giúp đỡ những bạn bè hoặc đồng nghiệp gặp khó khăn.

Singapore không phải quốc gia duy nhất gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần của người lao động.

Theo bà Soo, các doanh nghiệp nên cho phép nhân viên làm việc linh hoạt hơn để xoa dịu gánh nặng của đại dịch. Trong đó, người lao động cần được dành thời gian cho gia đình, giúp mang lại cái nhìn tích cực hơn và giảm căng thẳng.

"Các doanh nghiệp cần tìm cách hỗ trợ nhân viên, chẳng hạn cho phép họ dành khoảng thời gian chất lượng bên cạnh người thân, thay vì chỉ tập trung vào kết quả công việc", bà nhấn mạnh.

Anh Ng đã có công việc mới tại một công ty dịch vụ y tế vào tháng 5. Anh hy vọng rằng các ông chủ doanh nghiệp sẽ hiểu hơn về những căng thẳng của người lao động khi làm việc trong thời kỳ đại dịch.

"Sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của một nhân viên quan trọng hơn mọi thứ. Họ không làm việc tại nhà. Họ mắc kẹt ở nhà và phải cố gắng làm việc trong một cuộc khủng hoảng", anh Ng bình luận.

Thảo Cao