Nguy cơ tai nạn lao động cuối năm

Bác sĩ Hoàng Long, Khoa Chi trên - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết cuối năm là thời điểm các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Công việc bước vào giai đoạn nước rút phải hoàn thành tiến độ, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ nạn lao động.

Gặp tai nạn vì bất cẩn

Theo bác sĩ Long, Bệnh viện Quân y 175 vừa tiếp nhận nam thanh niên 24 tuổi, ngụ HCM, nhập viện trong tình trạng một đốt ngón tay bị đứt rời. Bệnh nhân cho biết anh làm việc tại tiệm rửa xe. Trong quá trình rửa xe, do bất cẩn nên một ngón tay của anh bị cuốn vào dây sên. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, anh được đưa đến bệnh viện cùng ngón tay đứt rời.

Tại Bệnh viện Quân y 175, nam thanh niên được phẫu thuật nối ngón tay. Tuy nhiên, các chức năng không được như bình thường mà chỉ đáp ứng về mặt thẩm mỹ.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM mới đây cũng tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp dập nát bàn tay vì tai nạn lao động. Trường hợp đầu tiên là ông L.T.T, 46 tuổi, ngụ Đồng Nai; nhập viện trong tình trạng bàn tay phải dập nát vì bị cuốn vào máy ép gỗ. Ông T. cho biết mới vào làm việc tại xưởng gỗ khoảng 3 tháng. Khi ông đang vệ sinh máy thì xảy ra tai nạn.

Trường hợp thứ 2 là anh L.T.A, 29 tuổi, ngụ Đắk Nông; nhập viện trong tình trạng tay dập nát. A. cho biết anh gặp nạn khi thọc tay vào máy xát cà phê tươi. Bàn tay bị cuốn vào, anh cố gắng rút ra không được, chỉ đến khi máy bị kẹt dây curoa dừng lại.

Theo TS - bác sĩ Mai Trọng Tường, Trưởng Khoa Vi phẫu - Tạo hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cả 2 trường hợp trên đã được phẫu thuật ban đầu, đều giữ được bàn tay. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật gân, xương mới có thể phục hồi các chức năng cầm, nắm và để phục hồi như ban đầu thì rất khó.

Bác sĩ Mai Trọng Tường, Trưởng Khoa Vi phẫu - Tạo hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, thăm khám bệnh nhân tai nạn lao động sau phẫu thuật

Nâng cao ý thức phòng ngừa

Năm 2023, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM tiếp nhận khoảng 200 - 300 bệnh nhân nhập viện vì tai nạn lao động. Trong đó, những tháng cuối năm, nhất là dịp cận Tết, tỉ lệ nhập viện do tai nạn lao động cao hơn bình thường, chủ yếu là những ca tai nạn do xay thịt làm chả, máy dập sắt, máy cuốn, máy cưa...

Bác sĩ Mai Trọng Tường cho biết bệnh viện đã thực hiện một khảo sát với hơn 300 bệnh nhân, cho thấy đa số người gặp tai nạn lao động là người nhập cư, không phải người dân địa phương. Đáng lưu ý, việc phòng ngừa tai nạn lao động của một bộ phận người dân còn thấp.

Trong hơn 300 bệnh nhân, 84 người cư trú tại TP HCM, còn lại là từ các tỉnh, thành khác. Người bị tai nạn lao động thường mới vào làm việc, chưa qua đào tạo, không có tay nghề, chủ quan, bất cẩn, tâm lý căng thẳng, mệt mỏi..., từ đó dễ gặp nạn.

"Thông thường, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng như mất da, da hoại tử, xương hoại tử, mất chi. Với những tai nạn này, tùy thuộc tình trạng của người bệnh, bệnh viện sẽ có phương án xử trí. Tuy nhiên, vì Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM là bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân đến trong tình trạng rất nặng nên quá trình hồi phục không thể trở lại như bình thường, thậm chí không thể cứu chi" - bác sĩ Tường lo ngại.

Bài và ảnh: Hải Yến