Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: 'Vén màn sương mù thẳm sâu của quá khứ'

Ngày 6/4, tại Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam (Omega Plus) tổ chức buổi tọa đàm và ra mắt sách “Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” của tác giả, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền.

Tại tọa đàm, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã nhìn lại, chia sẻ phần nào hành trình đầy gian nan, nhiều lúc tưởng chừng như bế tắc nhưng cho đến hôm nay có thể phần nào trả lời với dư luận xã hội một cách đầy đủ và chính thống câu hỏi về giá trị di sản của ca trù

Riêng tên gọi, ca trù có 7 cách gọi khác nhau gồm: Hát ả đào, hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà trò, hát nhà tơ, hát cô đầu, hát ca công.... Tùy vào chức năng, tùy môi trường diễn xướng trải dài, bao phủ khắp miền Bắc trở vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh suốt cả ngàn năm lịch sử. Sở dĩ tên gọi ca trù được xã hội hôm nay sử dụng rộng rãi và nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông bởi được chọn trong quá trình làm hồ sơ và đệ trình UNESCO.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giới thiệu về cách hát ca trù

Tư liệu Hán Nôm nghiên cứu về ca trù rời rạc, đứt quãng. Tư liệu quốc ngữ không nói cụ thể. Các nghệ nhân còn sống đến nay quá ít. Hơn nữa lại rất khó tiếp cận do một phần các cụ giấu nghề, phần khác gắn với mặc cảm một thời, nhắc đến ca trù sẽ nghĩ ngay đến "nhà hát Cô đầu" cùng những thú ăn chơi mặc định là “sa đọa, trụy lạc”.

Đặc biệt về hệ âm luật của ca trù rất mù mờ, không rõ có mấy quãng và hát thế nào là đủ, là thiếu và là sai. Với một người yêu cổ nhạc Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã tìm hiểu về chèo, cải lương... nhưng đến ả đào thì thấy như có một bức màn sương mù trước mắt, không biết nên bắt đầu từ đâu để nghiên cứu. Ông tự ví mình như "tự húc đầu vào đá" khi nghiên cứu về ả đào. Và đây cũng là một trong những lý do ông xin rút khỏi ban làm hồ sơ đệ trình ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhưng cái duyên với ca trù lại níu ông trở lại với con đường nghiên cứu. Qua quá trình tìm hiểu, Bùi Trọng Hiền biết nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ là người nắm giữ toàn bộ cách hát cửa đình nên ông về bàn với vợ, tiếp tục nghiên cứu ả đào. Ông động viên giáo phường ca trù ở Hải Phòng về Hải Dương học nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Cùng quá trình truyền dạy này, Bùi Trọng Hiền hàng ngày vẫn đều đặn đi xe máy từ Hà Nội về Hải Dương quan sát, ghi âm lối hát ca trù chuẩn chỉ.

Bên cạnh đó, ông còn thu thập tư liệu do nhà nghiên cứu Trần Văn Khê , nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan trao tặng.... để tìm hiểu về cách hát của ca trù. Từ rất nhiều nguồn nghiên cứu khác nhau, ròng rã suốt 9 năm, cuối cùng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhìn nhận ca trù trong một chỉnh thể “ở tầng bậc kĩ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất”, nhiều tên gọi nhất và đồng thời cũng chứa đựng nhiều nét đặc biệt nhất từ ca nương, kép đàn đến cả giới thưởng thức.

Những nghiên cứu về ả đào đã được ông công bố trong cuốn sách "Ả đào-một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật". Qua 7 phần nội dung được trình bày lớp lang, bạn đọc sẽ từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần ca trù, và hiểu được lý do vì sao loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, người đã góp phần hồi sinh, giúp ca trù trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, đánh giá về cuốn sách: “Ngoài việc khảo cứu về lịch sử, cuốn sách này có một khảo cứu quan trọng có tính chất nền tảng, đó là khảo cứu về âm nhạc. Trước đó, chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu kỹ lưỡng về âm nhạc của ả đào - hình thức âm nhạc độc đáo nhất, sáng tạo nhất và cũng phức tạp nhất. Vì thế, khảo cứu này đặt nền móng cho những nghiên cứu tiếp theo. Cuốn sách nên được đưa vào những chương trình đào tạo, giảng dạy nghệ thuật ca trù tại các trường văn hóa - nghệ thuật”.