NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Trưởng thành từ niềm tin của thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin chia sẻ rằng sự nghiệp ngoại giao của ông có dấu ấn rất lớn của thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. (Ảnh: Vân Hồ)

“Cá nhân tôi rất biết ơn cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về tư duy sáng tạo trong xem xét, đánh giá con người, đặt niềm tin, mạnh dạn đào tạo, sử dụng và giao việc cho cán bộ trẻ”, ông Bin chia sẻ.

Cơ duyên từ phiên dịch viên

Hành trình từ một sinh viên Khoa Văn học - Nghệ thuật, trường Đại học La Habana, Cuba trở thành một nhà ngoại giao, rồi Vụ trưởng, Đại sứ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao của ông Bin có dấu ấn không nhỏ của thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Năm 1965, khi đang là lưu học sinh ở Cuba, với trình độ tiếng Tây Ban Nha thông thạo, lại là sinh viên xuất sắc nhất trong lớp học có sinh viên đến từ 7 quốc gia, ông Bin nhiều lần được Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba mời đến phiên dịch trong các cuộc tiếp xúc quan trọng. Do số lượng công việc của Đại sứ quán ta ngày càng nhiều, ông Bin được Đại sứ Việt Nam tại Cuba lúc đó là ông Ngô Mậu điện về Bộ Ngoại giao xin người. Ông vào biên chế của Bộ Ngoại giao từ đó...

Nhưng ông không ngờ từ khởi đầu là một phiên dịch viên lại là cơ duyên để ông có cơ hội gặp gỡ với các lãnh tụ và các nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới. Đó cũng là cầu nối để ông được phục vụ các Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với các nhà báo. (Ảnh tư liệu)

Sau khi hết nhiệm kỳ ở Cuba, ông về làm chuyên viên ở Vụ Cuba - Mỹ Latinh, Bộ Ngoại giao. Đó là thời kỳ kháng chiến chống xâm lược của đế quốc Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết định. Lúc này, phong trào ủng hộ Việt Nam diễn ra rộng khắp ở các nước Mỹ Latinh. Ông Bin là người thường xuyên đảm nhiệm vai trò phiên dịch cho đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh.

Qua những buổi làm việc đó, ông Thạch phát hiện ra những tố chất đặc biệt của ông Bin. Không chỉ làm chủ ngôn ngữ, ông Bin hiểu rất rõ bản chất, nắm vững các vấn đề hai bên trao đổi. Mỗi khi xem biên bản ghi chép của ông Bin sau các buổi làm việc, ông Thạch đều rất hài lòng và đánh giá cao.

Đến lớp cán bộ tập sự cấp Vụ đầu tiên

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, tham gia hội nhập ngày càng lớn. Do vậy, nhu cầu về nhân sự và chuẩn hóa cán bộ của Bộ Ngoại giao ngày càng lớn. Bộ Ngoại giao lúc đó rất thiếu cán bộ, đặt biệt là cán bộ quản lý nòng cốt.

“Thời đó, cán bộ ngoại giao, đặc biệt ở vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ đều là cán bộ từ thời chống Pháp, được lựa chọn đưa về Bộ trên cơ sở biết ngoại ngữ, phẩm chất chính trị tốt, có trình độ”, ông Bin cho biết.

Theo quy định lúc đó, các chức vụ từ Phó Vụ trưởng hoặc Tham tán đều do Ban Bí thư phê duyệt. Thủ tướng bổ nhiệm Vụ trưởng Bộ Ngoại giao. Nhiều cán bộ quản lý của Bộ được điều chuyển từ các bộ, ngành và tỉnh về. Trong thời kỳ mới, việc tuyển chọn cán bộ như vậy không đáp ứng được tình hình do hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Để giải quyết “nút thắt” trên, với vai trò là Thứ trưởng, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, đồng chí Thạch “đã có đóng góp vô cùng lớn, đột phá” trong việc đề ra chế độ tập sự cấp Vụ, chú trọng nguyên tắc đào tạo cán bộ quản lý từ gốc, từ sớm, tập trung vào cán bộ trẻ.

Những công chức có năng lực chuyên môn và tố chất quản lý sau khi qua các quy trình lựa chọn, được trao quyền quản lý đơn vị như một Vụ phó thực thụ. Ngoài thử thách vai trò quản lý, các cán bộ trong diện tập sự cũng được bồi dưỡng kiến thức ngoại giao với bốn chuyên đề chính về tình hình thế giới và quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật pháp quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam.

Qua hai năm thử thách, sau khi bỏ phiếu tín nhiệm kín đạt tiêu chuẩn và đạt yêu cầu trong lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao thì sẽ được đề bạt chính thức. Đó thực sự là một đổi mới có tính cách mạng. Có những cán bộ tập sự khi được đề bạt đã lên liền 4 bậc lương. Ban Tổ chức Trung ương rất hoan nghênh kinh nghiệm đào tạo cán bộ này của Bộ Ngoại giao và một số bộ khác cũng đã học hỏi mô hình này.

Ông Bin cũng không ngờ mình có tên 87 người trong đợt tập sự đầu tiên. Năm 1981, ông Bin được đề bạt Vụ phó Vụ Cuba - Mỹ La tinh thì một năm sau được bổ nhiệm làm quyền Vụ trưởng.

Đột phá với vị trí Đại sứ trẻ nhất

Lần đầu tiên, một quyền Vụ trưởng mới 38 tuổi, không kinh qua kháng chiến, nằm trong danh sách đề cử với hai cán bộ bậc đàn anh, nhưng cuối cùng ông vẫn được chọn, cho thấy tư duy đột phá trong công tác cán bộ của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Chưa đầy một năm sau giữ chức quyền Vụ trưởng Vụ Cuba - Mỹ Latinh, ông lại gây “xôn xao dư luận” trong ngành khi được bổ nhiệm làm Đại sứ.

Đến bây giờ ông cũng chưa thể tin được “tư duy cực kỳ mới” của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi đề xuất và phản biện các ý kiến trái chiều để bổ nhiệm ông làm Đại sứ thường trú đầu tiên ở đất nước Trung Mỹ Nicaragua.

Lần đầu tiên, một quyền Vụ trưởng mới 38 tuổi, không kinh qua kháng chiến, nằm trong danh sách đề cử với hai cán bộ bậc đàn anh, nhưng cuối cùng ông vẫn được chọn, cho thấy tư duy đột phá trong công tác cán bộ của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư và Hội đồng Nhà nước đều phản đối khi tên ông Bin được trình lên. Lý do đưa ra là Nicaragua đang bị bao vây cấm vận, cần người sang để làm nhiệm vụ quốc tế, truyền đạt các kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam.

Bối cảnh chung lúc đó là phong trào cách mạng Trung Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và Mỹ chống phá quyết liệt. Người trẻ và chưa tham gia chiến đấu như ông Bin bị phản đối âu cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng Bộ Ngoại giao mà ông Thạch là Bộ trưởng lập luận rằng ông Bin là người rất am hiểu khu vực Mỹ Latinh. Ông Bin là người trực tiếp dịch cho những đoàn lãnh đạo phong trào cách mạng Mỹ Latinh vào học tập kinh nghiệm của Việt Nam.

Do vậy, ông nắm rõ những chia sẻ của các lãnh đạo ta về kinh nghiệm chống Mỹ, chống Pháp; cách thức xây dựng lực lượng chính trị; phương pháp đấu tranh kết hợp quân sự, chính trị và ngoại giao; vận động, tổ chức quần chúng và đoàn thể ra sao; vai trò lãnh đạo của Đảng như thế nào... Cùng với kinh nghiệm về khu vực Mỹ Latinh từ khi vào Ngành, lại thông thạo tiếng Tây Ban Nha thì ông Bin hoàn toàn có thể đảm đương được nhiệm vụ Đại sứ.

Còn băn khoăn về độ tuổi thì cũng được “hóa giải” một cách thật tình cờ nhưng cũng rất khách quan. Thời điểm đó, cuối tháng 4/1983, nhà lãnh đạo cao nhất của Nicaragua, ít hơn ông Bin 1 tuổi, thăm Việt Nam. Khi Ban Bí thư họp xem xét về việc bổ nhiệm Đại sứ ở Nicaragua vào tháng 5/1983, độ tuổi của nhà lãnh đạo Nicaragua đã được sử dụng để bảo vệ trường hợp đề cử ông Bin.

Dụng nhân như dụng mộc

Ý thức được trách nhiệm khi được Lãnh đạo Bộ tin tưởng, ông Bin luôn trong tâm thế “phấn đấu quyết liệt”. Bởi theo ông, “nếu mình làm tốt sẽ mở ra triển vọng cho cả thế hệ trẻ phấn đấu”.

Đó là nguyên tắc dùng người được người xưa đúc kết và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đề cập việc sử dụng cán bộ “đúng chỗ, đúng việc”, “tùy tài mà dùng người”.

Cá nhân ông Bin cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã sử dụng phương châm trên một cách thật nhuần nhuyễn, mạnh dạn trao niềm tin cho các cán bộ trẻ, linh hoạt áp dụng các quy trình bổ nhiệm cán bộ để hướng đến mục tiêu triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Bởi thế, dù có những khi được phân công làm Vụ trưởng ở các đơn vị chưa từng kinh qua công tác trước đó như Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Lãnh sự, hay cả khi làm Bí thư Đảng ủy chuyên trách Bộ Ngoại giao khi chưa từng tham gia Đảng ủy, lại “quá trẻ” so với các đồng nghiệp được trao các trách nhiệm ấy trong thời kỳ lịch sử đó, ông Bin đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ý thức được trách nhiệm khi được Lãnh đạo Bộ tin tưởng, ông Bin luôn trong tâm thế “phấn đấu quyết liệt”. Bởi theo ông, “nếu mình làm tốt sẽ mở ra triển vọng cho cả thế hệ trẻ phấn đấu”.

Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn luôn nỗ lực tự học, tự rèn luyện, xông xáo trong công việc. Tấm gương sáng toàn diện của người tư lệnh ngành Nguyễn Cơ Thạch “nhà ngoại giao tài ba kiệt xuất, uyên bác, nhạy bén, sắc sảo, sáng tạo, bậc thầy trong nghiên cứu, tham mưu chiến lược và tác chiến” là kim chỉ nam để ông Bin soi vào và phấn đấu trở thành một nhà ngoại giao kỳ cựu của Bộ Ngoại giao.

Ông Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921-10/4/1998) tên thật là Phạm Văn Cương, sinh năm 1921, quê quán xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tham gia Tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế tại Nam Định (1937-1939), bị thực dân Pháp bỏ tù tại Nam Định, Hòa Bình, Sơn La (1940-1945). Năm 1954, bắt đầu công tác trong ngành ngoại giao và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao (1954-1956), Tổng lãnh sự nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Ấn Độ (1956-1960), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Ủy viên Đảng đoàn Bộ Ngoại giao (tháng 8/1960-tháng 5/1979), Quyền Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva về Lào (1961-1962), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách công tác đấu tranh chống Mỹ (từ 1964). Tháng 5/1979, ông làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng), rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 1/1980, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (tháng 2/1987-1991). Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 12/1976 đến 1991, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị từ năm 1982, Ủy viên chính thức Bộ Chính trị khóa VI (1986-1991), phụ trách Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.