Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Đọc sách không phải để giải trí'

Nhạc sĩ Dương Thụ không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc. Ông còn là người chủ trương nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Chuỗi hoạt động Cà Phê Thứ Bảy mà ông sáng lập, duy trì đã trải qua hành trình 14 năm hoạt động và phát triển, với nhiều dự án văn hóa nghệ thuật có sự góp mặt của các trí thức hàng đầu.

Đặc biệt, dự án "Thư viện Cà phê thứ bảy Trẻ" ra mắt vào năm 2020 đã trở thành không gian cho các bạn trẻ tiếp cận với các đầu sách tri thức có chọn lọc. Nhạc sĩ Dương Thụ trò truyện với Tri thức về việc chọn sách và hình thành văn hóa đọc trong giới trẻ ngày nay.

Đang có một bộ phận đọc dễ dãi, ngại đọc

- Được biết ông từng theo học sư phạm trước khi chuyển sang lĩnh vực âm nhạc, và đã có thời gian giảng dạy môn Ngữ văn. Kiến văn của ông có ảnh hưởng thế nào đến công việc sáng tác âm nhạc? Ông nghĩ sao về vai trò của nền tảng văn hóa trong việc xây dựng nên một người nghệ sĩ?

- Tôi là người viết nhạc, tự đặt lời cho nhạc của mình, và đặt lời cho các giai điệu của một số nhạc sĩ khác khi họ yêu cầu, kể cả một số giai điệu của nhạc cổ điển, và ca khúc nước ngoài cho ca sĩ. Vì vậy kiến văn, và với riêng tôi là tiếng Việt văn học thu lượm được từ môn ngữ văn là cực kỳ quan trọng.

Với nhạc sĩ Việt Nam, mọi cảm xúc và ý tưởng trong âm nhạc, khi là một bài hát thì nó phải được diễn đạt lại bằng lời, cho nên bạn phải giỏi tiếng Việt. Một giai điệu đẹp nhưng do tác giả tiếng Việt kém, lời lẽ ngô nghê thì đâu còn hay nữa. Lời bài hát mà hay thì giống thơ vậy.

Người Việt mình không quen nghe nhạc không lời, chỉ thích nghe bài hát thôi nên lời bài hát là vô cùng quan trọng. Các bài hát của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn và một số nhạc sĩ khác chinh phục được đông đảo người nghe vì họ rất giỏi tiếng Việt, văn học.

Người nghệ sĩ thực chất và đúng nghĩa phải là người sáng tạo, một nhà văn hóa. Chỉ có kỹ năng nghề và kiến thức phổ thông thì chỉ là người làm nghề (có thể giỏi nghề, kiếm được rất nhiều tiền và nổi tiếng) nhưng chưa phải là một nghệ sĩ thực thụ.

Do vậy nền tảng văn hóa là vô cùng quan trọng. Nền tảng ấy theo tôi hiểu bao gồm: Triết học (nền tảng của tư duy), Mỹ thuật, Âm nhạc (nền tảng của ký ức nội tâm và cảm quan về cái đẹp của thế giới bên ngoài thông qua thính giác và thị giác), Văn học (nền tảng của sự diễn đạt bằng ngôn ngữ). Nền tảng này phải tự học và tự sống với nó.

- Sau hơn hai năm làm Cà phê Thứ bảy trẻ, ông nhận thấy đến nay có gì khác biệt ở các khán giả của hoạt động này? Ông có nhận định gì về mức độ quan tâm của người trẻ với các dự án văn hóa, nhất là văn hóa đọc?

- Sách và văn hóa đọc sách hiện có vấn đề. Sách in phải cạnh tranh với sách trên mạng (dưới dạng sách chữ hoặc sách nói) và sách in phải tính đến yếu tố thị trường nên đầu sách lựa chọn để phát hành thường theo kiểu phim bom tấn, nghĩa là ưu tiên cho loại sách bán chạy. Việc này hình thành một lớp bạn đọc mới khác hẳn với thời bọn tôi: dễ dãi, ngại đọc những sách khó đọc, “nặng đầu”, phần còn lại thì ưa “văn hóa nghe nhìn” hơn là văn hóa đọc.

Trước tình hình này, Cà phê Thứ bảy với nhiều dự án văn hóa nghệ thuật, và những buổi trò chuyện với nhiều chủ đề, không chỉ về văn hóa mà còn các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường... đã gián tiếp hoặc trực tiếp khuyến khích người tham dự tìm đến sách để tìm hiểu thêm về những đề tài họ đã thu lượm được sau những buổi như vậy.

Đấy là lý do tôi âm thầm xây dựng cho Cà phê Thứ bảy một thư viện với hàng nghìn đầu sách để năm 2020 cho ra mắt Thư viện Cà phê Thứ bảy Trẻ. Đúng như bạn nói, nó đã trở thành không gian cho các bạn trẻ tiếp cận với các đầu sách tri thức có chọn lọc.

Giờ đây tại một không gian mới hơn, với những sinh hoạt thường kỳ của chương trình Cà phê Thư viện: tuần đầu tháng: Triết học cho bạn trẻ; tuần thứ hai: Đối thoại trẻ, tuần thứ ba: Sách - Tác giả - Dịch giả & Bạn đọc; tuần cuối tháng: Cuốn sách truyền cảm hứng.

Các chương trình này thu hút rất đông bạn trẻ tới tham dự, buổi nào cũng phải kê thêm ghế phụ. Ở nhà đọc, đến để nghe và trao đổi, về lại tìm mua sách mới. Một quá trình đẹp như thế của văn hóa đọc Cà phê Thứ bảy đang diễn ra.

Còn ở chỗ khác thì tôi không biết rõ. Hy vọng văn hóa đọc ở các bạn trẻ sẽ mỗi ngày một tốt lên như tôi từng thấy trong các sinh hoạt Cà phê Thư viện của Cà phê Thứ bảy Trẻ.

Đọc sách hay như chinh phục được đỉnh cao mới

- Ông từng nhận định rằng đọc sách cần có sự chọn lọc, tham khảo kỹ càng, chứ không phải cứ đọc nhiều là hay. Ông có thể chia sẻ thêm về những tiêu chí lựa chọn sách của mình?

- Tám, chín tuổi tôi đã say mê đọc sách và cũng đọc linh tinh lắm, nhưng may mắn ông cụ tôi rất nghiêm khắc, giống một cái phin lọc, cụ lọc cho tôi những đầu sách mà theo cụ tôi cần đọc. Lớn lên lại may mắn được làm quen với các bậc đàn anh văn nghệ là những nhà trí thức lớn, được chia sẻ, được truyền cảm hứng trong việc đọc sách giống như nhưng buổi trò chuyện mà tôi làm tại Cà phê Thứ bảy bây giờ.

Được quen những người giỏi hơn mình, nhờ họ đánh thức, gợi ý mà ta tìm được cái mình muốn đọc, đó là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn.

Còn tiêu chí lưa chọn sách ư? Với tôi, đọc không phải để giải trí. Đọc cũng không phải để biết (để trở thành thông thái) mà là để hiểu, để bù đắp cho cái thiếu, cái yếu của mình về tri thức, về thẩm mỹ. Đọc là để mở rộng không gian sống, để đánh thức nội tâm, để cho trí tưởng tượng được bay bổng. Tôi lựa chọn sách theo những tiêu chí này nên nhiều cuốn không dễ đọc. Nhưng đọc được chúng giống như ta chinh phục được một đỉnh cao mới trong quá trình nhận thức của mình. Điều này chẳng thú vị lắm sao.

- Ngày nay, sách không còn là lựa chọn duy nhất khi giới trẻ cần tiếp cận kiến thức. Theo ông, đâu là khác biệt của sách so với với các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc giúp người trẻ bồi đắp tri thức?

- Tôi đã bước sang tuổi 81, để làm việc vẫn phải thường xuyên truy cập mạng để lấy thông tin, bổ sung kiến thức chứ không phải chỉ có các bạn trẻ.

Sách được hiểu không chỉ là sách in. Trong thời đại số, sách còn được số hóa (sách chữ) và đọc trên mạng nữa. Ở Cà phê Thứ bảy tôi đang cho xây dựng thư viện số để hỗ trợ việc thiếu hụt sách in trong tủ sách của thư viện. Riêng các buổi trò chuyện của Cà phê Thứ bảy đều được thu âm, ghi hình để đưa vào kênh YouTube Cà phê Thứ bảy. Sau này bạn đọc đến thư viện sẽ được xem lại các chương trình này.

Hai cách tiêp cận kiến thức sẽ bổ sung cho nhau. Truyền thông sẽ nhanh hơn, nhưng đọc sách tuy chậm và “rách việc” hơn nhưng sâu hơn, căn cốt hơn. Được cả hai thì càng tốt.

Tâm Anh

Ảnh: Ngọc Việt