Nhan nhản hàng giả thương hiệu nổi tiếng: 'Thượng đế' là ai?

Chiều tối 29/3, Đội Quản lý thị trường số 16 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Long Biên, Hà Nội) kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu (quận Long Biên).

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện kho hàng này đang tích trữ hơn 3.000 đôi giày dép nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Zara, Hermes...

Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, giao hàng đi cho khách.

Theo cơ quan chức năng, kho hàng rộng trên 100m2 được chủ cơ sở là Bùi Thị Giang (33 tuổi; thường trú tại Thọ Ngọc, Triệu Sơn, Thanh Hóa) thuê để chứa các sản phẩm giày, dép thời trang các loại.

Kho hàng hơn 3.000 sản phẩm giày dép nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ, đoàn kiểm tra mới có thể phân loại các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm tại cơ sở này.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở khai nhận nhập hàng từ một nguồn không quen biết trên mạng xã hội và không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 16 cho biết, để triệt phá được cơ sở này, lực lượng chức năng phải trinh sát, theo dõi qua nhiều tháng.

Cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livestream bán hàng qua mạng xã hội Facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử.

Nhà chức trách đã thu giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để làm việc với đại diện chủ thể các hãng, từ đó xác định mức độ vi phạm của cơ sở và xử lý theo quy định.

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá số lượng lớn hàng hóa giả thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Chiều 25/3, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Đội QLTT số 15 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra kho chứa hàng tại địa chỉ số 02, DV04 Tây Nam Linh Đàm, phố Bằng Liệt, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội và phát hiện kho hàng này đang chứa trữ trên 10.000 sản phẩm là quần áo gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như Versace, Gucci, Calvin Klein, Adidas…

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ kho hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đặc biệt, toàn bộ số hàng hóa đều có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Versace, Gucci, Calvin Klein (CK), Adidas đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Vào thời điểm này năm 2020 (ngày 17/3/202), Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Tổ 368 phối hợp với Cục Quản lý thị trường Nam Định và PC 03, Công an tỉnh Nam Định ập vào kho tàng trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Kho hàng rộng hơn 500m2 tàng trữ khoảng 20.000-30.000 sản phẩm vi phạm, chủ yếu túi nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel... Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng giả tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỷ đồng.

Thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.

Trước những vụ triệt phá kho hàng giả hiệu lớn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, chuyện hàng giả tuồn vào Việt Nam không phải là vấn đề mới mà đó là "chuyện thường ngày ở huyện".

Những mặt hàng lậu đó phổ biến như thế là do có cầu thì ắt sẽ có cung, bản thân nhiều người Việt Nam đôi lúc ít tiền nhưng lại rất thích sành điệu.

Chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng rằng không nên ủng hộ cho hàng lậu nữa mà hãy tìm hiểu, sử dụng hàng Việt Nam.

Còn nếu muốn dùng hàng hiệu nổi tiếng thì hãy tìm đến đúng địa chỉ để mua hay bản thân các đơn vị bán lẻ phải xây dựng thương hiệu của mình.

Thu Hoài (Tổng hợp)