Nhật Bản trút bỏ những hạn chế về chi tiêu quân sự

Nhật Bản dự định từ bỏ hoàn toàn học thuyết phòng thủ của mình. Ngay sau khi sửa đổi xong Hiến pháp thời hậu chiến, Tokyo dự định sẽ tiếp tục dỡ bỏ mọi hạn chế lâu nay vẫn áp dụng đối với các khoản chi tiêu quân sự của nước này.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố về ý định hủy bỏ những điều khoản hạn chế quy định rằng các khoản chi tiêu quốc phòng (của Nhật Bản) chỉ được phép nằm trong phạm vi 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và được áp dụng từ năm 1976.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết là trong tương lai, nước này có kế hoạch tăng chi tiêu cho các nhu cầu quân sự "mà không cần phải căn cứ" vào GDP.

Theo tuyên bố của các quan chức quốc phòng Nhật Bản thì lý do khiến nước này buộc phải tăng cường mạnh tiềm lực quốc phòng- đó là các mối đe dọa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản thì trong năm (tài chính) f2021 này, Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 51,5 tỷ USD cho ngân sách quân sự, và trong thời gian tới, mức chi tiêu cho các nhu cầu quốc phòng có thể sẽ tăng lên rất đáng kể.

Trước đó, Tokyo đã công bố ý định sửa đổi Hiến pháp thời hậu chiến với những điều khoản hạn chế khả năng của Quân đội Nhật Bản.

Trong cuộc trưng cầu dân ý sắp được tổ chức, dự kiến đề xuất sẽ sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản cấm Đất nước Mặt Trời Mọc có quân đội chính thức (chỉ được có Lực lượng Phòng vệ), cấm sở hữu các mẫu vũ khí như tên lửa đạn đạo và cấm tiến hành các chiến dịch tấn công.

Lý do được công bố khiến Nhật Bản phải sửa đổi Hiện pháp- cũng vẫn là các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Quốc và Triều Tiên.

Và như vậy, có thể khẳng định rằng Nhật Bản đang trở thành một trong những quốc gia hùng cường nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương, với quân đội và hải quân mạnh nhất khu vực này.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)