Nhật coi Trung Quốc là 'mối quan tâm an ninh hàng đầu'

Theo bài viết của tác giả Tim Kelly đăng trên Reuters, Sách Trắng quốc phòng hàng năm của Nhật Bản đề cập đến sự gia tăng căng thẳng quân sự xung quanh đảo Đài Loan bên cạnh sự cạnh tranh kinh tế và công nghệ giữa hai nước Mỹ - Trung, cả hai nguyên do đều góp phần làm dấy nguy cơ khủng hoảng trong khu vực khi cán cân quyền lực đang thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Nhật Bản lo ngại căng thẳng gia tăng xung quanh đảo Đài Loan, kêu gọi các bên cảnh giác cao độ với “nguy cơ khủng hoảng” trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực, còn Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ cho chính phủ Đài Loan. (Ảnh: AP)

Phía Trung Quốc đã bác bỏ những kết luận trong Sách Trắng của Nhật Bản về các động thái được Bắc Kinh coi là “hoạt động quân sự bình thường”, đồng thời gọi các kết luận trên là phi lý và không có tính xây dựng.

Đánh giá quốc phòng Nhật Bản, được chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga thông qua hôm thứ Ba ngày 13/07, đã chỉ ra Trung Quốc là mối quan tâm an ninh quốc gia hàng đầu của Nhật Bản.

Trong phần nhắc đến Đài Loan, đánh giá có đoạn: “Các bên cần hết sức chú ý đến bối cảnh hiện tại, cảnh giác cao độ với nguy cơ khủng hoảng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”.

Đánh giá cũng nhắc tới sự cạnh tranh giữ Mỹ và Trung Quốc: “Đặc biệt, cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ nhiều khả năng sẽ trở nên vô cùng khốc liệt".

Việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự gần đây xung quanh Đài Loan khiến Nhật Bản lo ngại vì hòn đảo này nằm gần quần đảo Okinawa, cực Nam của quần đảo Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự cảm kích đối với Nhật Bản vì đã coi trọng an ninh ở eo biển Đài Loan.

Trong khi đó, phía Bắc Kinh đáp trả giận dữ khi nói rằng Nhật Bản "từ lâu" đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về hoạt động xây dựng quốc phòng và quân sự bình thường của Trung Quốc.

Dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian: "Điều này là rất sai trái và không có tính xây dựng”

Sự cạnh tranh về công nghệ Mỹ - Trung đặt ra một thách thức cho Nhật Bản vì nền kinh tế của nước này phụ thuộc nhiều vào quan hệ kinh doanh với cả hai phía, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Từ đó, Nhật Bản cũng sẽ phải chi nhiều hơn để theo kịp nguồn tài trợ của chính phủ cho phát triển công nghệ ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Châu Âu.

Các nhà lập pháp Thượng viện Hoa Kỳ gần đây đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới năm 2021, cho phép chi 190 tỷ đô la cho công nghệ, bao gồm 54 tỷ đô la để gia tăng sản xuất chip điện tử.

Trong khi đó, đồng nghiệp của họ tại Hạ viện, những người vẫn đang tranh luận về một đề xuất riêng biệt, cũng hứa hẹn nguồn tài trợ hào phóng, được gọi là Đạo luật Đảm bảo sự tham gia và lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, hay Đạo luật EAGLE.

Một ngoại lệ bất ngờ, lần đầu tiên trong nội dung của Đánh giá an ninh hàng năm của Nhật Bản có bao gồm một phần về các mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra, theo đó sẽ làm tăng sự cạnh tranh về đất đai và tài nguyên, dẫn đến các cuộc di dân lớn.

Nhật Bản cho biết, sự gia tăng các thảm họa liên quan đến nóng lên toàn cầu có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng quân sự, trong khi băng tan ở Biển Bắc Cực tiềm ẩn rủi ro quân sự hóa các vùng biển phía Bắc.

Nhật An