Những câu chuyện tản mạn mùa dịch

Gia đình đông con, áp lực kinh tế đè nặng

12 giờ trưa dưới cái nắng gay gắt của những ngày cuối hạ, anh D. (Hà Đông) sau khi giao xong đơn hàng cho khách, nhanh chóng tấp vào lề đường, lùa vội tô mì cho qua cơn đói.

Anh D. húp vội tô mì cho qua cơn đói.

Anh tâm sự, gia đình đông con, hai vợ chồng anh đều là lao động tự do, anh là shipper của một hãng công nghệ, vợ mở sạp buôn bán rau củ ở chợ cóc gần nhà. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng đủ trang trải cho gia đình 6 miệng ăn.

Nhưng từ khi Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-CP, chợ cóc cấm hoạt động, vợ anh thất nghiệp đồng nghĩa với việc nguồn thu bớt đi, gánh nặng kinh tế lại đè nặng lên vai anh.

Dẫu biết rằng ra đường thời điểm này rất nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng áp lực cuộc sống anh phải chấp nhận. Bởi đợi anh ở nhà là 4 đứa con thơ đang tuổi ăn học.

Cũng như anh D, chị Phạm Thị H. (Hà Nam) lo lắng những ngày sắp tới cuộc sống sẽ thế nào, nếu dịch bệnh cứ tiếp tục thế này.

Năm 2018, cả gia đình 5 người dắt díu nhau lên Hà Nội tìm kế mưu sinh. Hàng ngày chồng đi lái taxi, chị ở nhà trông 3 đứa con nhỏ và bán đồ ăn sáng. Thời gian đầu khó khăn vô cùng, anh chưa quen đường, chị cũng vừa bắt đầu bán hàng nên chưa có nhiều khách, có những hôm hai vợ phải nhịn ăn để dành tiền mua sữa cho con.

Sau này, thu nhập có ổn định hơn nhưng cũng phải "co kéo" mới đủ trang trải tiền phòng trọ và chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. 3 đứa con ngày một lớn, chi tiêu ngày càng nhiều, được đồng nào là lo cho con chứ không có dư dả.

Nay dịch bệnh bùng phát, anh thất nghiệp, quầy đồ ăn sáng của chị cũng đóng cửa, không có thu nhập cuộc sống của anh chị càng túng quẫn hơn.

Căn phòng trọ chật hẹp chưa đầy 10m2 là nơi sinh sống của gia đình nhà chị H. và cũng là nơi chị đặt quầy hàng buôn bán.

Đạp xe 30km "cứu trợ" cho con

1 giờ chiều, tại chân hầm cầu Mai Dịch, bác Nh. (Thạch Thất) khuôn mặt mướt mải mồ hôi cho biết vừa đạp xe quãng đường 30km từ nhà lên đây, mang thực phẩm "cứu trợ" cho 2 con sống trong nội thành.

Người anh cả làm shipper, ở trọ lại trên này cuối tuần mới về nhà. Thương con chạy xe cả ngày, không có thời gian nấu nướng, phải ăn mì liên tục nhiều ngày liền, bác dậy sớm chuẩn bị sẵn đồ ăn mang cho con dùng dần.

Bác Nh. đạp xe hơn 30km dưới trời nắng gay gắt để tiếp tế đồ ăn cho các con.

Người con gái lấy chồng ở Chùa Bộc nhưng hoàn cảnh gia đình cũng không khấm khá hơn là bao, nhà 3 đứa con nhỏ lại thêm bố mẹ chồng không có lương hưu. Con gái đang nuôi con nhỏ chưa đi làm, con rể dịch bệnh công việc cũng bấp bênh.

Xe buýt không hoạt động, lại không biết đi xe máy, nhưng xót cháu, xót con, bác đã đi xe đạp hơn 2,5 tiếng đồng hồ dưới trời nắng gay gắt lên nội thành để tiếp tế thực phẩm cho các con.

Lỡ dở hôn nhân vì hoàn cảnh khó khăn

Với anh Nguyễn Văn T. (Hải Dương) lại là một câu chuyện khác, cha mẹ anh đều bị liệt, là con cả trong nhà, em trai sinh sống và lập gia đình trong TP. Hồ Chí Minh nên việc chăm sóc cha mẹ do anh phụ trách.

Không có bằng cấp, xin việc tại quê nhà khó khăn, anh phải thuê người chăm cha mẹ để lên Hà Nội kiếm sống. Đến nay, anh đã sinh sống và gắn bó với mảnh đất này được 10 năm, đã trải qua đủ thứ nghề phụ hồ, bốc vác, bảo vệ, xe ôm...

Cũng vì cuộc sống khó khăn mà năm nay đã 40 tuổi nhưng anh chưa "một mảnh tình vắt vai". Anh cũng từng ước ao có một mái ấm nhỏ, nhưng sau nhiều lần từ chối vì hoàn cảnh gia đình, khiến anh không dám nghĩ xa hơn.

Anh T. 40 tuổi nhưng vẫn lỡ dỡ chuyện gia đình.

Ngày thường, cùng với số tiền em trai phụ giúp chăm sóc cha mẹ, cuộc sống của anh cũng "dễ thở" hơn. Nhưng nay TP. Hồ Chí Minh dịch bùng phát mạnh mẽ, em trai đã không đi làm 2 tháng, do vậy anh càng phải cố gắng nhiều hơn. Chỉ mong cha mẹ ở quê luôn khỏe mạnh để anh yên tâm làm việc

"Dịch bệnh, ai cũng quý trọng tính mạng của mình, nhưng nếu ở nhà thì biết lấy gì để trang trải cho cuộc sống." giọng anh T chua xót.

Đây chỉ là một vài trong số hàng nghìn, hàng triệu hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19. Chỉ uớc mong sao dịch bệnh nhanh qua, cuộc sống trở lại bình thường để mọi người lại tiếp tục công cuộc mưu sinh của mình.