Những gương sáng ở vùng cao

Tích cực tăng gia, sản xuất

Băng qua những con đường đồi dốc, chúng tôi đến Khu 19 hộ, thôn Tà Dô, xã Sơn Tân (Sơn Tây). Chỉ tay vào chiếc xe tải đỗ bên đường, người dân ở Khu 19 hộ giới thiệu đó là chiếc xe của anh Đinh Văn Nía (36 tuổi). Nhắc đến anh Nía, ai cũng khâm phục tinh thần tự lập, chịu khó, mạnh dạn vươn lên làm ăn của vợ chồng anh.

Trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, anh Nía kể, tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sau khi đám cưới, hai vợ chồng ra ở riêng chỉ với đôi bàn tay trắng, đời sống vô cùng khó khăn. Tôi bàn với vợ mạnh dạn vay vốn chính sách 5 triệu đồng dành cho hộ nghèo để có vốn kinh doanh nhỏ. Sau đó, gia đình tôi vay thêm 10 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội Nông dân xã, rồi mượn 30 triệu đồng của người thân để làm trang trại chăn nuôi và mua đất trồng trọt.

Anh Đinh Văn Nía, ở thôn Tà Dô, xã Sơn Tân là tấm gương sáng nỗ lực xây dựng phát triển kinh tế gia đình ở huyện Sơn Tây.

Nhờ cần cù, chịu khó, lại biết tính toán chi tiêu phù hợp để tích lũy, vợ chồng anh Nía đã từng bước vươn lên. Nhận khoản tiền đền bù diện tích đất vợ chồng anh mua để canh tác, được Nhà nước sử dụng để làm khu tái định cư cho các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, vợ chồng anh Nía mua xe tải để chở keo, mì, gia tăng thu nhập. “Muốn ăn no mặc ấm phải tăng gia sản xuất. Hiện nay, vợ chồng tôi có 10ha keo, trong đó số cây keo trên 4 năm tuổi ước đạt 200 tấn. Vợ chồng tôi còn nuôi bò, dê, trồng 30 cây chò trong vườn”, anh Nía chia sẻ.

Từng trải qua khó khăn, thấu hiểu nỗi vất vả của người dân vùng cao, anh Nía thường xuyên cho các hộ dân khác mượn tiền để làm ăn. Đồng thời, vợ chồng anh luôn đóng góp tích cực vào các hoạt động ở địa phương.

Sẻ chia yêu thương

Em Phạm Thị Hy (12 tuổi), ở thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ), có hoàn cảnh rất đáng thương. Ba mẹ Hy mất sớm, Hy sống với ông bà ngoại già yếu. Trước hoàn cảnh của Hy, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Lế Phạm Thị Điêm (36 tuổi) thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, động viên và xoa dịu những khó khăn của em.

Là Chủ tịch Hội LHPN ở một xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, chị Điêm luôn gắn bó và sát cánh với cơ sở, có những cách làm sáng tạo trong phát triển phong trào phụ nữ tại địa phương. Nhà chị Điêm ở thôn Cà Rầy, xã Ba Tiêu, mỗi ngày chị phải vượt hàng chục cây số để đến UBND xã Ba Lế làm việc. Từ UBND xã đi đến các thôn khác cũng rất xa xôi, cách trở. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người dân xã Ba Lế đã quen thuộc với hình ảnh chị Điêm đến tận cơ sở, thăm phụ nữ và trẻ em khó khăn cần giúp đỡ.

Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Lế (Ba Tơ) Phạm Thị Điêm sắp xếp quần áo để tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trở lại câu chuyện về em Hy, người được chị Điêm vận động cán bộ, hội viên triển khai mô hình Tiếp sức đến trường, hỗ trợ Hy mỗi quý 300 nghìn đồng. Từ năm 2021, Hội LHPN xã nhận đỡ đầu Hy trong Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Ngoài trích kinh phí từ quỹ hoạt động của hội, chị Điêm còn tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ tiền mặt gần 10 triệu đồng và tặng quần áo, giày dép, bánh, sữa cho ông bà ngoại và Hy. Bản thân chị Điêm cũng trích một phần lương để mua tặng một con heo giống trị giá 1 triệu đồng và 5 con gà cho gia đình Hy. Không những thế, chị Điêm còn dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên gia đình, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để theo dõi tình hình học tập và cuộc sống của Hy. Cuối tuần, chị thường chở Hy về nhà mình, dặn dò, khuyên nhủ và yêu thương Hy như con ruột của mình. Từ sự quan tâm của “mẹ Điêm”, Hy vui vẻ, nỗ lực học tập, biết nghe lời ông bà.

Nhiều năm qua, chị Điêm còn tích cực vận động hội viên thực hiện các mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Thu gom phế liệu gây quỹ”, thu hơn 490kg gạo và hơn 3 triệu đồng. Qua đó, Hội LHPN xã Ba Lế đã thăm và tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Chị Điêm còn vận động trên mạng xã hội cá nhân để quyên góp, thực hiện mô hình “Tủ đồ di động”. Chị trực tiếp thu gom và chuyển quần áo, tặng hội viên khó khăn. "Là người con và cán bộ hội ở vùng cao, bản thân phải gương mẫu, trách nhiệm thực hiện công việc, không ngại khổ cực và vất vả. Đặc biệt là quan tâm đến hội viên và trẻ em khó khăn, tiếp thêm động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống", chị Điêm tâm niệm.
Bí thư Đảng ủy xã Ba Lế Phạm Thị Lăng cho biết, chị Điêm là cán bộ hội nhiệt tình, tận tâm với công việc. Chị đã có những cách làm sáng tạo trong phát triển phong trào hội và hỗ trợ, quan tâm những hoàn cảnh khó khăn.

Gương mẫu, trách nhiệm với công việc
Đó là nhận xét của nhiều người khi nhắc tới Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ba Vì (Ba Tơ) Phạm Văn Vin (32 tuổi). Anh Vin là một trong những tấm gương tiêu biểu của đồng bào Hrê, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh trật tự và quốc phòng tại địa phương. Ấn tượng của chúng tôi khi gặp anh Vin là sự cẩn thận, chỉn chu và gương mẫu trong công việc.

Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ba Vì (Ba Tơ) Phạm Văn Vin (bên trái) luôn gương mẫu, trách nhiệm trong công việc.

Sau khi xuất ngũ, anh Vin trở về quê hương, được tạo điều kiện theo học, nâng cao chuyên môn và trình độ về ân sự. Năm 2012, anh Vin được giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ba Vì. Từ năm 2021 đến nay, khi khuyết chức danh chỉ huy trưởng, trong vai trò phụ trách, anh Vin luôn nỗ lực thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao. Bên cạnh bảo đảm 100% chỉ tiêu giao quân hằng năm, anh Vin còn đề xuất và tham mưu nhiều hoạt động chăm lo cho gia đình và chiến sĩ mới. Tháng 4/2024, anh đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức thăm quân nhân quê ở xã Ba Vì đang nhập ngũ tại tỉnh Gia Lai. Chuyến thăm không chỉ thể hiện sự quan tâm của địa phương đến con em quê hương, mà còn khích lệ, động viên tinh thần chiến sĩ rèn luyện tốt. Trước đó, anh Vin còn huy động lực lượng dân quân xã gặt lúa giúp gia đình có con em đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Vào mùa mưa, lực lượng dân quân xã Ba Vì luôn trách nhiệm và gương mẫu đi đầu trong công tác di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân trên địa bàn. Anh Vin nhớ lại, cuối năm 2013, mưa lớn khiến nước sông dâng cao, có nguy cơ ngập cầu Sông Re. Tôi cùng đồng đội ngay lập tức chia nhau đến 2 đầu cầu, không cho người dân và học sinh qua lại. Sau đó, lực lượng dân quân xã đã đưa người dân và học sinh về nơi tạm trú an toàn.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lê Hữu Trinh nhận xét, anh Vin là tấm gương sáng về tinh thần nỗ lực học tập và trau dồi chuyên môn. Anh còn học hỏi và thành thạo tin học nên nắm bắt công việc rất nhanh. Những năm qua, dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng anh Vin luôn thể hiện sự quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền được huyện khen thưởng.

Bài, ảnh: BẢO HÒA