Những thông điệp 'xanh' vì môi trường!

Bình Thuận có lợi thế với bờ biển trải dài 192 km, với những cảnh quan thiên nhiên vô cùng phong phú, thu hút du khách thập phương tìm đến. Nhưng thực tế cũng cho thấy, vào thời điểm này, một số bãi biển ở Bình Thuận đang xảy ra hiện tượng rác đại dương tấp vào bờ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan và hoạt động du lịch, môi trường. Đơn cử tại khu vực biển Gành Son (xã Chí Công, Tuy Phong) đã được giới thiệu đến người dân, du khách mọi miền là điểm đến lý tưởng trong các dịp lễ và mùa hè, bởi cảnh quan tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng. Tuy vậy, trong bức tranh chung về điểm đến ấy, vẫn còn đó những “tồn tại” khó giải quyết đã xảy ra nhiều năm nay, đó chính là rác ven biển. Khi tận mắt chứng kiến từng tốp phụ nữ, nhóm thanh thiếu niên, trẻ con đang ngồi vui chơi trên bãi cát…đầy rác, tôi quả thật chưa dám tin.

Người dân vui chơi tại bãi biển Gành Son, nơi "chi chít" rác thải.

Một người dân sống tại địa phương chia sẻ, hàng năm ở khu vực này đều có nhóm bạn trẻ thường tổ chức các hoạt động thu gom rác tại bãi biển Gành Son, với chương trình “Vì Gành Son thân yêu”, thu gom rác với mục đích giản đơn là có một bãi biển đẹp cho người dân, trẻ con vui chơi. Qua theo dõi trên các trang mạng facebook, tôi đã biết đến nhóm bạn trẻ tâm huyết với quê hương Chí Công, với nỗ lực mong muốn thay đổi ý thức của bà con, không xả rác bừa bãi…Tuy vậy, một thực tế đang diễn ra là sau nhiều chiến dịch dọn rác thì chỉ thời gian ngắn sau, tình trạng ác thải với chi chít ni-lon, hộp xốp… đã trải dài khắp bãi biển, cũng là nơi người dân và du khách tìm đến vui chơi, giải trí.

Thông điệp "xanh" được treo tại khu vực biển Gành Son.

Có nhiều nguyên nhân được nhắc đến gây ra tình trạng rác đại dương dạt vào bờ khi mùa gió đến. Cũng có nhiều chiến dịch, hoạt động thu gom rác của các tổ chức chính trị xã hội, người dân vì mục đích bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp. Tuy nhiên, một thực tế đã được phản ánh rất nhiều đang tồn tại, góp phần dẫn đến hiện tượng rác thải đại dương dạt vào bờ, cũng được xem là nguyên nhân “gốc”, chính là không ít hộ dân tại địa phương vẫn có thói quen xả rác thải sinh hoạt hàng ngày xuống biển, vì…chưa có dịch vụ thu gom rác (đơn cử ở một số thôn ven biển xã Chí Công). Do đó, cùng với những thông điệp xanh, từ những việc làm thực tế và sự cố gắng, nhiệt huyết của các bạn trẻ, rất cần sự chung tay của tất cả mọi người để có một môi trường sống xanh, sạch đẹp và trở thành những nơi “đáng sống”.

Thông điệp được đặt ngay ở lối đi xuống biển Gành Son.

Đặc biệt, hướng đến Ngày Môi trường thế giới (5/6), từ thời điểm này ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung sẽ có nhiều hoạt động cộng đồng, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải... để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Riêng với điểm đến Gành Son, để thu hút du khách, rất cần sự chung tay của nhiều người để cùng nhau vun đắp, xây dựng. Việc trước mắt là cùng chung tay gìn giữ môi trường sạch đẹp, không xả rác bừa bãi xuống biển, để kỳ quan thiên nhiên Gành Son nói riêng và du lịch ven biển của tỉnh ngày càng xanh, sạch, thu hút khách gần xa…

Các hoạt động thu gom rác thải ven biển.