Những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Ukraine Zelensky

Bình luận về tuyên bố trên của ông Zelensky, thượng nghị sĩ Aleksey Pushkov thành viên Hội đồng Liên bang Nga đã chỉ trích Tổng thống Ukraine về lời kêu gọi nước này cần gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)

“Tổng thống Zelensky hoàn toàn nhầm lẫn, việc Ukraine gia nhập NATO, ngay cả khi điều này được cho phép không phải là cách duy nhất để lấy lại Donbass, nhưng sẽ là một bước đi quyết định. Ở Kiev, các nhà lãnh đạo yếu kém đang cầu nguyện NATO như một biểu tượng của quyền lực, nhưng liên minh này sẽ không trở lại Donbass”, ông Pushkov viết trên Twitter hôm 9/4.

Hôm 8/4, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak tuyên bố, Nga sẽ buộc phải bảo vệ người dân Donbass, miền Đông Ukraine, trong trường hợp cần thiết.

Theo ông Kozak, quyết định như vậy sẽ phụ thuộc vào mức độ bạo lực trong khu vực. Các “lực lượng vũ trang” ở Donbass có kinh nghiệm và hiện có thể tự vệ mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.

Quan chức Điện Kremlin cũng nhắc lại rằng Nga không muốn xâm phạm chủ quyền Ukraine hoặc chiếm giữ các vùng lãnh thổ của nước này. Ông Kozak khẳng định: “Một quốc gia láng giềng thân thiện, hòa bình và ổn định là lợi ích của chúng tôi”.

Bên cạnh đó, quan chức này cảnh báo, việc bắt đầu tiến hành hành động quân sự lớn ở miền Đông Ukraine sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho hồi kết của Ukraine.

Theo Asia Times, mới đây, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cũng đưa ra quyết định gây tranh cãi đó là sắc lệnh về một số giải pháp hướng tới mục tiêu “không chiếm đóng và tái hòa nhập” Crimea.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã chỉ đạo thành lập ban tổ chức để chuẩn bị và tổ chức Hội nghị cấp cao về “Cương lĩnh Crimea” ngay trong nước. Ngoài ra, hỗ trợ người Tatars ở Crimea về ngôn ngữ, văn hóa, cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân Crimea.

Không chỉ vạch ra kế hoạch trên, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba còn kêu gọi Nga “mở cửa tiếp cận” với Crimea và “không áp đặt quan điểm chính trị hóa”.

Asia Times cho rằng, sắc lệnh trên là một lời tuyên chiến với Nga. Theo ấn phẩm của Trung Quốc, việc tuyên bố “tái hòa nhập” Crimea là chính sách chính thức của Kiev kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với toàn bộ lục địa Á-Âu. Ngoài ra, bước đi này của Tổng thống Zelensky có thể được coi là một thách thức đối với Moscow, không phù hợp với những tuyên bố khét tiếng của chính quyền Ukraine về “sự xâm lược của Nga”.

“Sắc lệnh trên rất phù hợp với cách giải thích của Moscow, theo đó ông Zelensky sẽ không bao giờ ký một sắc lệnh như vậy nếu không có sự cho phép của Washington”, Asia Times nhận định.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hứa với chính quyền Ukraine là Mỹ vẫn kiên định ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Theo đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đã tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào của Kiev để “lấy lại” Crimea cho Ukraine đều là bất hợp pháp và sẽ bị coi là hành động gây hấn chống lại Nga.

“Sự tham gia của bất kỳ quốc gia nào vào các hành động như vậy, bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh liên quan đến Crimea, sẽ bị Moscow coi là bước đi không thân thiện với Nga, như một sự xâm phạm trực tiếp đến toàn vẹn lãnh thổ”, bà Zakharova nhấn mạnh.

Thanh Bình (lược dịch)